Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có thể sẽ khiến người dân nghèo gặp khó khăn, đồng thời kéo theo sốt giá, tăng lạm phát…
Theo Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% có mặt được trong thực hiện tăng thu ngân sách, nhưng người tiêu dùng, nhất là số đông người dân nghèo sẽ gặp khó khăn, đồng thời kéo theo giá tăng, lạm phát tăng.
|
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 (Ảnh minh hoạ: KT) |
Lo sốt giá, đẩy lạm phát đi lên
Chia sẻ trên tờ Đầu tư Chứng khoán, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tăng thuế VAT chắc chắn ít nhiều sẽ làm tăng giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến lạm phát. Khi thảo luận đề án, chúng ta cần cân nhắc kỹ vấn đề này.
TS. Lưu Bích Hồ cho hay, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện chiếm hơn 27%, một mức cao hơn cả EU, khu vực có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp VAT của các nước EU vào thu ngân sách chỉ dao động quanh mốc 21%, trong khi mức thuế VAT của nhóm các nước này thường khoảng 20 – 25%.
Điều này cho thấy việc tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện nhiều tổng thu và cơ cơ cấu thu ngân sách. Còn việc các nước thu thuế VAT cao hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách thấp hơn là do họ có nhiều nguồn thu khác, do hoạt động sản xuất – kinh doanh của họ tốt, thuế trực thu nhiều hơn. Nhưng có điều đáng chú ý, phần lớn họ dùng khoản thu từ thuế VAT để làm phúc lợi xã hội như tại các nước Đức, Bắc Âu, một số nước EU khác… nên đánh thuế VAT cao không thiệt thòi gì cho dân.
Còn tại Việt Nam, TS. Lưu Bích Hồ phân tích, nguồn thu từ thuế VAT dành cho các hoạt động an sinh xã hội còn chưa nhiều, thực tế là dùng để trám vào các khoản thâm hụt do bội chi quá lớn. Tôi cho rằng song song với tăng thu phải giảm chi thường xuyên, nếu quyết liệt giảm chi mới cân đối được ngân sách. Thực tế hiện nay, tăng thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng, người dân vì mức thuế đánh chung cho tất cả, nên phải nghĩ tới đem lại lợi ích gì cho người dân nữa, chứ không phải chỉ là đóng góp với Nhà nước.
Về hiệu quả kinh tế, vị chuyên gia này nêu quan điểm: Nếu thuế VAT tăng từ 10 lên12%, tôi cho rằng không nhìn thấy ngay được mà phải nhìn trong giai đoạn sau khi có nguồn thu để đầu tư, rót vốn vào kết cấu hạ tầng… Còn hiệu quả kinh tế được tạo ra từ kích thích tiêu dùng nếu coi tiêu dùng là một động lực, thì trước mắt lại là chi tiêu đắt đỏ, người dân sẽ hạn chế tiêu dùng hơn.
Về tính công bằng, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng chính sách này nếu thực thi sẽ không công bằng lắm, bởi thiệt thòi nhiều lại thuộc về người thu nhập thấp. Vấn đề này cần phải xem xét và làm rõ thêm bởi liên quan đến thu nhập và chi tiêu của người dân phải có điều tra tính toán cẩn thận.
Đối với tính khả thi, ông Lưu Bích Hồ đánh giá sẽ khả thi về việc thực thi luật, còn về tính khả thi trong tăng thuế sẽ tăng ngân sách có thể không được như mong muốn, bởi khi giá cả tiêu dùng tăng cao sẽ có một bộ phận lớn người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, kéo theo tổng nguồn thu từ thuế VAT có thể không đạt kỳ vọng.
Nỗi lo VAT “đè nặng” lên người nghèo
Trên báo Tuổi trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định, đề xuất tăng thuế suất VAT của Bộ Tài chính tác động toàn diện đến hơn 90 triệu người Việt Nam, từ thanh niên, người già đến trẻ nhỏ nên cần phải cân nhắc rất thận trọng.
Khác với thuế thu nhập cá nhân, chỉ những người có thu nhập chịu thuế và đạt ngưỡng nhất định mới chịu thuế, với thuế VAT thì mọi người dân Việt Nam, bất kể độ tuổi, giới tính và thu nhập, hằng ngày hằng giờ đều phải chịu thuế.
Thuế VAT được xem là một sắc thuế khá thành công của Việt Nam nhìn ở khía cạnh tạo nguồn thu cho ngân sách, ông Tuấn đánh giá.
Cách đây hơn một thập niên, thuế VAT chỉ chiếm 26% tổng thu thuế, 21% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,6% GDP. Đến năm 2016, tổng số thuế VAT đã chiếm 33% tổng thu thuế, 24% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,8% GDP.
Xây dựng một đề án cải cách thuế đòi hỏi cần phải có khuôn khổ đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo nhiều vấn đề, trong đó cần tập trung vào ba khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi trong quản lý, ông Tuấn nêu quan điểm.
Trên báo Dân trí, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT. Lý do đầu tiên được vị chuyên gia chỉ ra rằng, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn.
“Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cũng cho rằng: “VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi”.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi “cứ có hóa đơn bán hàng là thu”, nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.