Tập trung chỉ đạo khắc phục hạn, xâm nhập mặn; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Ngày 29-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016. Ảnh: TRẦN HẢI

Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2015 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình KT-XH tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016; thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền trung, Tây Nguyên và các giải pháp khắc phục.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù tháng 2 có chín ngày nghỉ Tết nhưng các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai tốt các chương trình, kế hoạch hành động về phát triển KT-XH. Qua hai tháng, tình hình KT-XH của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu bật một số khó khăn và thách thức, từ đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, bám sát tình hình, kịp thời có phản ứng linh hoạt, hiệu quả.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư… để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Thủ tướng chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phòng, chống rét ở các tỉnh phía bắc. Kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

Tập trung đẩy mạnh sản xuất; thúc đẩy xuất khẩu. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng…

* Chiều 29-2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Rà soát Thông tư 57/2015/TT-BCA

Về quy định trang bị bình chữa cháy trên xe ô-tô theo Thông tư 57/2015/TT-BCA, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, sau khi Thông tư có hiệu lực, có nhiều thông tin liên quan việc bình cứu hỏa phát nổ, do đó, Cục đang rà soát lại Thông tư. Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực 6-1 đến 20-2, cả nước đã xảy ra 19 vụ cháy xe ô-tô. Qua theo dõi, tại các vụ cháy xe, người dân đã sử dụng bình chữa cháy mang theo và cả xe lân cận hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, tiếp thu những vấn đề mà báo chí phản ánh vừa qua, Cục Cảnh sát PCCC tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm khắc phục những vấn đề chưa đề cập rõ ràng hoặc chưa hướng dẫn chi tiết trong Thông tư 57. Bộ Công an đang chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC phối hợp Bộ Công thương, các hãng xe cung ứng thiết bị bảo đảm các quy định tiêu chuẩn, quy phạm.

Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm tại dự án 8B Lê Trực

Liên quan dự án xây dựng tại 8B Lê Trực (Hà Nội), Văn phòng Chính phủ cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận (tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 2-11-2015) về việc này, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo (Thông báo số 9410/UBND-XDGT ngày 31-12-2015) đồng ý với kiến nghị của Thanh tra thành phố, trong đó yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án phá dỡ phần xây dựng sai giấy phép và giao Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan. Đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, liên quan nhiều cấp quản lý. Quan điểm của Chính phủ là phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến tích cực

Tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ cũng thông tin cho báo chí về Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng 5 năm qua. Theo đó, công tác này đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tiêu cực cao như tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; giao thông vận tải. Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân; thực hiện kê khai và kiểm soát kê khai thu nhập theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai tháng qua, thu hút vốn FDI tiếp tục đạt kết quả khá, vốn FDI thực hiện ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4%; vốn đăng ký FDI ước đạt 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 275 triệu USD, tăng 8,7%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,7 tỷ USD, tăng 2,9%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước; xuất siêu khoảng 865 triệu USD, bằng 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn Báo Nhân Dân Online