Tập trung chống hạn và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL

Sáng 17/2, tại TP. Cần Thơ, Bộ NN&PTNT và UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về thực trạng và giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình mực nước thấp dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, cung cấp nước sinh hoạt của vùng.

Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng hiện nay để chủ động đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Có bước đi, lộ trình và tầm nhìn dài hạn để xử lý vấn đề như tăng vốn đầu tư; sử dụng ngân sách hiệu quả, kịp thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của toàn bộ nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đã là thiên tai thì phải giải quyết nhanh, kịp thời, không để ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL để chống hạn, xâm nhập mặn; các Tỉnh ủy đều có chỉ thị hoặc nghị quyết chỉ đạo vấn đề này đến các chi bộ và nhân dân; xây dựng và ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của xâm nhập mặn; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho ngăn mặn xâm nhập.

Các địa phương tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân với phương châm không để người dân đói, thiếu nước, dịch bệnh do hạn hán; vận hành, điều tiết công trình thủy lợi hợp lý nhất với các biện pháp cụ thể của từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, rà soát; Bộ Tài chính cân đối ngân sách hỗ trợ cho khu vực ĐBSCL ngay sau hội nghị này.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp nghiên cứu và giải pháp bài bản, căn cơ, chủ động trong ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu khốc liệt hiện nay. Rà soát quy hoạch thủy lợi, phát triển nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng lúa không bảo đảm nguồn nước sang cây trồng và vật nuôi phù hợp với nước lợ, nước mặn. Các bộ nghiên cứu chỉ đạo việc lai tạo, phát huy các loại giống cây trồng phù hợp với tình hình khí hậu khắc nghiệt hiện nay.

Về các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cần xem xét tạm ứng ngân sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân; hỗ trợ dân sinh, xây dựng các công trình hạ tầng như đập tạm, gia cố cống, nạo vét kênh mương, trạm bơm, đào giếng cho nhân dân… trên cơ sở xây dựng và sử dụng hiệu quả các công trình này ngay trong năm 2016 với các nguồn vốn ưu tiên các công trình cho phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, do ảnh hưởng của El-Nino năm 2015 nên mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hằng năm (sớm hơn 2 tháng), khả năng kết thúc muộn hơn (1 tháng), xâm nhập sâu vào ĐBSCL.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh đắp ngay đập tạm, gia cố kênh mương để dân có đủ nước sinh hoạt; có cơ chế tạm ứng vốn rồi quyết toán vốn sau.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết theo tính toán, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra trong thời gian tới.

Dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 sẽ đến sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa. Các vùng cách biển 25-45 km: Từ giữa tháng 2 đến ngày 22-25/2 có khả năng lấy được nước ngọt vào thời kỳ triều thấp, từ cuối tháng 2 trở đi các vùng này nguồn ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt.

Đứng trước tình hình này, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có những chỉ đạo quyết liệt việc triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 chỉ đạo, đôn đốc các địa phương về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12/10/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.

Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23/10/2015 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino; Chỉ thị số 1316/CT-BNN-TCLN ngày 03/2/2015 về việc triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn như ban hành kế hoạch hoặc phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có các giải pháp cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng.

Nguồn Chinhphu.vn