Tập trung phòng chống lũ phía Tây, bão và triều cường phía Đông.
Lũ chính vụ đang diễn biến phức tạp ở các huyện phía Tây, trong khi đó các huyện, thị phía Đông cũng đang bước vào cao điểm bão và triều cường.
Trước diễn biến lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, các huyện phía Tây của tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống lũ, tập trung vào các công việc bảo vệ tính mạng nhân dân, đặc biệt là trẻ em; diện tích vườn cây ăn trái, diện tích khóm và cơ sở hạ tầng. Tại Cai Lậy, huyện đã triển khai cho xử lý các điểm sạt lở đảm bảo ngăn lũ và triều cường; chỉ đạo các xã gia cố hoàn chỉnh các đập do xã quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện có công văn đề nghị các xã, thị trấn báo cáo công tác này về Phòng NN&PTNT huyện. Còn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Cái Bè cho biết, đến nay huyện đã hoàn tất phương án phòng, chống lụt; phương án phòng, tránh bão, phương án hộ đê, phân công các thành viên ban chỉ huy phụ trách địa bàn; phố hợp với các ban, ngành, xã, thị trấn kiểm tra, rà soát trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lục bão và giảm nhẹ thiên tai, đồng thời chuẫn bị tốt công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục xử lý sạt lở, kiểm tra nguồn lực và các điểm xung yếu. Huyện đã tiến hành thống kê phương tiện và tất cả các điểm trường, trụ sở cơ quan,đình, chùa, nhà thờ, hộ dân…; tổ chức kiểm kê hậu cần phục vụ sơ tán khi cần thiết; kiểm tra các tuyến, cụm dân cư chuẩn bị di dời khi có lũ lớn; đưa ra các phương án xử lý các cống chưa đắp đập tạm được khi có lũ lớn xảy ra.
Trước diễn biến lũ hiện nay, Ban Chỉ huy (BCH) Phòng, chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhận định đỉnh lũ năm nay có khả năng đạt trên 2 m. Từ đó, BCH tỉnh chỉ đạo các huyện tiếp tục đắp đập tạo ngăn lũ và triều cường; kiểm tra kế hoạch gia cố các đoạn đê thấp bảo vệ vườn cây ăn, đặc biệt gia cố để bảo vệ gần 2.000 ha dântự bao và 863 ha chưa có bờ bao. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục, điều chỉnh lịch giảng dạy phù hợp; chuẩn bị vật tư, vật lực để đắp đập gia cố đê bao; tổ chức học sinh đi học, điểm giữ trẻ, sơ tán dân khi tình huống xấu nhất xảy ra. Các xã chuẩn bị vật tư tiến hành gia cố các đập và đê bao có qui mô nhỏ trên địa bàn và vật tư dự trữ hộ đê, phương tiện chống úng.
Trong khi đó, thời điểm từ nay đến cuối năm cũng là cao điểm của bão và triều cường ở phía Đông. Cụ thể, những ngày qua triều cường kết hợp với lũ dẫn đến mực nước tăng cao. Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết, những ngày qua mực nước tạo Mỹ Tho cao hơn so với cùng kỳ do ảnh hưởng của lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường từ biển Đông lấn vào. Mực nước cao nhất đo được ngày 28/9 tại TP. Mỹ Tho đạt 1,66m, vượt báo động ba 0,06m. Còn tại các huyện, thị phía Đông, những ngày qua triều cường cũng ở mức cao so với cùng kỳ. Theo ông Võ Văn Rồng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, triều cường vẫn còn duy trì mức cao ở khu vực vào kỳ triều cuối tháng 10 tới.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, cho biết những ngày qua triều cường ở mức cao, nhưng chưa ảnh hưởng gì đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện. Theo ông, khả năng kỳ triều cường tới sẽ còn cao do ảnh hưởng lũ lớn ở khu vực phía Tây đổ về kết hợp với triều cường biển Đông. Đây cũng là thời kỳ cao điểm của bão. Xác định vùng chịu ảnh hưởng bão, thời gian qua, Tân Phú Đông khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khi có bão và triều cường. Đến nay, huyện đã triển khai xong các công tác phòng, chống lụt bão như hoàn thiện, bổ sung phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có bão lớn, xác định nơi đến; triển khai công tác phòng, chống lụt bão cho các xã để chủ động công tác phòng, chống trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”… Ngày 28/9, ax4 Tân Thạnh tiến hành diễn tập về phòng, chống lụt bão và triều cường, trong đó thực binh hộ đê ở ấp Tân Đông. Đối với biện pháp công trình, huyện chuẩn bị nạo vét kinh và nâng cấp một đoạn đê xung yếu Phú Thạnh – Phú Đông để bảo vệ dân cư và sản xuất; còn những đoạn khác, các xã thông báo cho dân tự khắc phục.
Tại Gò Công Đông, các công tác phòng, chống lụt bão và triều cường cũng đã được triển khai quyết liệt từ khi bắt đầu mùa mưa bão. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, đến thời điểm này, huyện đã tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và triển khai công tác thực hiện thời gian tới, triển khai phương châm “4 tại chỗ”, hoàn tất các phương án, kế hoạch sơ tán dân, xác định các nơi dân đến sơ tán… Đối với xã, vào tuần tới sẽ tiến hành tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, triều cường và tiếp theo đó là tiến hành diễn tập cấp huyện. Nhằm thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đến nay Gò Công Đông đã xây dựng được 80 trong kế hoạch xây 200 nhà vệ sinh trú bão, số còn lại huyện cố gắng hoàn tất trong thời gian tới; đồng thời huyện cũng xúc tiến thủ tục đấu thầu thi công khu neo đậu thuyền “né” bão ở Đèn Đỏ (xã Tân Thành). Bên cạnh đó, việc nâng cấp đê biển thời gian qua cũng đã được tỉnh xúc tiến; khu “né” bão ở xã Vàm Láng do Trung ương đầu tư cũng đã cơ bản hoàn thành có thể đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão này.
Những nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở chủ động ứng phó với lũ, bão và triều cường cho thấy quyết tâm của các cấp, các ngành hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra trên địa bàn.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.