Tất bật mùa bánh Tết

       Làm phong phú hơn hương vị Tết quê Nam bộ còn là sự góp mặt của những chiếc bánh tráng, bánh phồng được làm ra từ bàn tay khéo léo của người thợ miệt vườn. Chưa hình thành làng nghề sản xuất tập trung nhưng huyện Cai Lậy hiện nay vẫn có những điểm sản xuất bánh tráng, bánh phồng với qui mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ ổn định. Nghề sản xuất này đã giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập trong thời điểm năm hết, Tết đến.

Gia đình chị Đỗ Thị Hường đang cán bánh phồng mì.

Những ngày này, đi dọc các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ trên địa bàn huyện Cai Lậy đã thấy những vỉ bánh tráng nằm chen nhau trên những giàn phơi đợi nắng lên. Để có bánh ra lò sớm, người thợ đã bắt đầu một ngày làm việc từ lúc gà chưa gáy sáng. Vốn đầu tư ít nên nghề làm bánh tráng thu hút nhiều phụ nữ nông thôn, chỉ cần tay nghề khéo léo và sự chăm chỉ, chịu khó. Các lò bánh hiện nay tập trung cho 2 sản phẩm truyền thống là bánh tráng nhúng và bánh tráng dừa.

Bà Phạm Thị Sành ở ấp Mỹ Chánh, xã Long Tiên – một thợ làm bánh tráng cho biết, mỗi ngày từ 2 giờ sáng bà đã thức dậy xay bột và tráng bánh để kịp giao trong ngày. Với hai miệng lò, mỗi ngày bà giao cho mối 600 bánh tráng dừa, giá bán 20.000 đồng/chục. Đã thành thông lệ hơn 10 năm nay, cứ đầu tháng Chạp là bà Sành lại chuẩn bị cho mùa bánh Tết. Mỗi năm chỉ tập trung gần 1 tháng nhưng thu nhập khoảng 6 triệu đồng, đủ để gia đình bà dư dả mua sắm Tết.

Nổi tiếng với nghề làm bánh phồng từ hơn nửa thế kỷ nay nên từ tháng 11 âm lịch, các gia đình ở ấp 7 và ấp 8, xã Long Trung đã bắt tay vào mùa bánh Tết. Không khí nơi đây rộn ràng từ lúc nửa đêm, các thành viên trong gia đình chia nhau mỗi người một việc: Nhóm bếp, luộc mì, xay mì, trộn bột, cán bánh để đón nắng sớm kịp phơi bánh, bỏ mối theo đơn đặt hàng.

Chị Đỗ Thị Hường, thợ làm bánh phồng ở ấp 7 cho biết, vợ chồng chị là thế hệ thứ ba duy trì nghề truyền thống của gia đình. Năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, các thành viên trong gia đình chị hầu như không ngơi tay mới kịp đáp ứng lượng hàng tăng gần gấp đôi. Mỗi ngày, lò bánh của chị giao khoảng 4.000 bánh phồng mì, trừ chi phí lợi nhuận hơn 300.000 đồng. Theo thời gian, các công đoạn sơ chế nguyên liệu của các lò bánh phồng ở Long Trung dần được tự động hóa nên thuận lợi, rút ngắn thời gian hơn so với cách làm thủ công trước đây. Mỗi năm, xóm bánh chỉ sản xuất tập trung 1 hoặc 2  tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu của khách quen và tùy điều kiện mà các lò thuê thêm 2-3 nhân công làm công đoạn cán bánh với mức từ 60.000 –  80.000 đồng/ngày. Sản phẩm đặc trưng của các lò bánh ở Long Trung là bánh phồng mì và bánh phồng nếp, mỗi gia đình đều có bí quyết khác nhau để chiếc bánh khi nướng lên thưởng thức có vị ngọt, béo hài hòa.

Cùng với không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, các điểm sản xuất bánh phồng, bánh tráng ở huyện Cai Lậy đã bước vào mùa cao điểm phục vụ thị trường Tết. Tùy truyền thống của gia đình, điều kiện cơ sở vật chất, nhân công và thị trường tiêu thụ mà mỗi điểm sản xuất bánh tráng, bánh phồng cho ra lò lượng hàng khác nhau vừa đáp ứng nhu cầu của khách vừa có nguồn thu nhập kha khá để ăn Tết.