Tàu chiến Đức đến biển Đông vì Trung Quốc
Đức hôm 2-8 đã điều tàu chiến đến biển Đông lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, cùng các quốc gia phương Tây tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Đức đang nỗ lực cân bằng giữa lợi ích an ninh và kinh tế khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin. Các mặt hàng xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer. Ảnh: EPA-EFE
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đến cảng Wilhelmshaven chứng kiến tàu khu trục Bayern khởi hành trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng, dự kiến dừng chân tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Con tàu dự kiến đi qua biển Đông vào giữa tháng 12, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002.
Bà Kramp-Karrenbauer cho hay Đức muốn tất cả các bên tôn trọng luật pháp hiện hành, tàu thuyền được tự do đi lại trên các tuyến đường biển, đảm bảo an ninh trong khu vực và hoạt động thương mại tuân theo các quy tắc công bằng.
Tàu khu trục Bayern sẽ khởi hành đến biển Đông. Ảnh: Teller Report
Theo hãng tin Reuters, các quốc gia gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong các cuộc phô trương lực lượng nhằm chống lại những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải”, trong đó các tàu di chuyển gần khu vực tranh chấp. Đáp lại, phía Trung Quốc phản đối những hành động đó khi cho rằng chúng không giúp thúc đẩy hòa bình hoặc ổn định khu vực.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.