Tàu sân bay Mỹ – Sức ép trong vấn đề Triều Tiên

Ngày 9-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Sự phối hợp trên đạt được trong bối cảnh Mỹ đã gửi một nhóm tàu tấn công do tàu sân bay dẫn đầu tới bán đảo Triều Tiên.

Sẵn sàng ở phía Tây Thái Bình Dương

Theo Trung tá Dave Benham, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPC), USPC đã ra lệnh cho nhóm tàu sân bay Carl Vinson, trong đó có tàu sân bay Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, tiến về phía Bắc như là một biện pháp thận trọng nhằm duy trì sự hiện diện và sẵn sàng tại phía Tây Thái Bình Dương. Đây được xem là một động thái phô trương sức mạnh nhằm phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cùng ngày 9-4, hãng Kyodo cũng cho biết  nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã rời Singapore để tiến về phía bán đảo Triều Tiên.

Nhóm tàu sân bay Carl Vinson đang hướng về bán đảo Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng Mỹ tái bố trí hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên nhằm chuẩn bị đối phó khả năng Triều Tiên tiếp tục có các vụ thử tên lửa trong tháng 4 này. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về chương trình vũ khí đang có những bước tiến bộ đáng kể của Triều Tiên. Đầu tháng này, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa Scud sử dụng nhiên liệu lỏng, tuy nhiên vụ phóng đã thất bại khi tên lửa này chỉ bay được một cự ly ngắn.

Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ

Ngày 9-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút, ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo hoàn toàn nhất trí về tầm quan trọng của sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa 3 nước Nhật Bản – Mỹ – Hàn Quốc để đối phó với Bình Nhưỡng.
Theo giới quan sát, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vì nó diễn ra sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria, nước được Triều Tiên xem là một đồng minh chủ chốt. Đánh Syria được cho là một lời cảnh cáo của Mỹ đối với Triều Tiên vì Bình Nhưỡng đã không từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Một số nhà phân tích tin rằng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định không phải là ngẫu nhiên. Chiến dịch không kích đơn phương vào Syria khiến ông Trump hiển nhiên ở vị trí chiến thắng trong cuộc gặp mà ông Trump muốn Trung Quốc thực hiện nhiều hơn để ngăn cản chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Vụ tấn công đồng thời cũng là lời nhắc nhở Bắc Kinh rằng Mỹ cũng có thể không kích Triều Tiên nếu cần thiết. Tuy nhiên, dù đặt nhiều kỳ vọng, cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đạt được sự nhất trí nào về vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng.

Theo Financial Times, trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Abe cho biết Tokyo đang theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc thì Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đang cân nhắc mọi giải pháp có thể chuẩn bị “hành động một mình”, nếu Trung Quốc không có thêm động thái để tạo sức ép khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngày 8-4, hãng tin Sputnik dẫn các nguồn tin từ Washington cho biết Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ vừa trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên. Trong đó có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc. Nếu kế hoạch hạt nhân được lựa chọn, đây sẽ lần đầu tiên Mỹ đưa vũ khí hạt nhân ra nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và chắc chắn không chỉ gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mà còn gây thêm sóng gió trong quan hệ Mỹ – Trung.

Nguồn SGGP