Tây Nguyên mùa xuân

Nhắc đến Tây Nguyên mùa xuân chắc hẳn nhiều du khách sẽ xốn xang bởi vẻ đẹp tinh khiết của hoa cà phê bung trắng khắp núi đồi, bởi lời bài hát “tháng 3 mùa con ong đi lấy mật”… tháng ba trời trong xanh như suối ngàn cho em múa hát, cho anh đánh chiêng. Một Tây Nguyên hùng vĩ mà bình dị, một Tây Nguyên thân thiện và một Tây Nguyên ấn tượng với những bức tranh tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng như lời mời gọi thiết tha và có sức nặng níu chân du khách. Hãy đến với Tây Nguyên – mùa xuân, để khám phá, để có những trải nghiệm không thể nào quên trên những con đường đất đỏ bazan.

Mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi

Mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi

Nếu Tây Bắc có hoa ban trắng được lấy làm biểu tượng thì Tây Nguyên có hoa cà phê, loài cây đặc sản nổi tiếng với những sản phẩm Abarica và Robusta có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều du khách tìm đến mảnh đất này việc đầu tiên là khám phá cây cà phê. Và tuyệt vời hơn khi đến Tây Nguyên mùa xuân du khách không chỉ được trực tiếp “mục sở thị” cây cà phê mà còn được ngắm cây ra hoa, đây cũng là mùa hoa cà phê nở trắng khắp núi đồi, du khách mải mê men theo lối mòn tận hưởng vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa đặc sản này. Dường như thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho mỗi vùng miền một nét đẹp đặc trưng riêng, để rồi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ.
Hoa cà phê có mùi hương ngọt ngào, thu hút những đàn ong đua nhau tìm đến hút mật. Từ những nét xanh nhạt nơi đầu búp rồi lộ dần một màu trắng xóa rực rỡ khi nở bung, hoa cà phê có vẻ đẹp nhẹ nhàng hòa quyện cùng nhau tạo ra khung cảnh trắng như tuyết phương Tây. Chính loài hoa này đã giúp Tây Nguyên khoác trên mình một triếc áo mời mỗi độ xuân về, màu áo trắng dịu dàng gọi mời du khách.

Tây Nguyên mùa xuân, mùa hoa cà phê nở trắng, mùa con ong đi lấy mật gọi mời du khách

Mùa hoa cà phê thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch với hai đợt nở hoa, mỗi đợt nở kéo dài từ 7-10 ngày sau đó sẽ tàn nhanh và bắt đầu hình thành quả, bởi vậy du khách muốn được đặt chân đến Tây Nguyên đúng mùa hoa cà phê nở rộ đẹp nhất cần tìm hiểu kỹ và đặt lịch trình đúng thời điểm. Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đaklak) là hai thành phố có rừng hoa cà phê lớn nhất, ngoài ra du khách có thể thăm rừng cà phê ở những vùng xung quanh. Mùa xuân đến, khắp Tây Nguyên bừng sắc trắng nổi bật giữa đất đồi bazan.
Cái nắng, cái gió, và những địa danh không thể không đến

Cái nắng, cái gió, và những địa danh không thể không đến

Chúng tôi đến Tây Nguyên đúng vào tháng 3 như lời bài hát “tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” giữa không gian xanh thẳm của rừng cây, của bầu trời và cái nắng, cái gió rất riêng biệt. Khám phá miền đất này, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi Tây Nguyên đẹp ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, con người tình cảm, thân thiện. Đáp chuyến bay Hà Nội- Buôn Mê Thuột, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm những điều đã viết trong Sử thi, cảm nhận “cái nắng, cái gió Tây Nguyên”.
Tây Nguyên chào đón chúng tôi bằng cái gió thơm vị cà phê, cái nắng rót mật và khắp những cung đường đất đỏ bazan phiêu lãng. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Làng cà phê Buôn Mê Thuột. Ở nơi đây chúng tôi như lạc giữa một không gian của miền cổ tích sử thi, với những hàng đá xếp trên mặt nước, những cây cầu nhỏ, bảo tàng lưu giữ hiện vật có giá trị của Tây Nguyên. Bên ly cà phê, những nét đẹp của văn hóa Tây Nguyên mở dần ra với chúng tôi bên.
Một điểm đến không thể thiếu khi đến mảnh đất này đó Buôn Đôn, nơi có “chú voi con ở Bản Đôn” là nhân vật quen thuộc với tuổi thơ của mỗi người. Chú voi Bản Đôn đã nổi tiếng khắp cả nước khi xuất hiện trong một bài hát thiếu nhi và nay là một địa danh du lịch nổi tiếng có sức hút đặc biệt đối với du khách trong Nam, ngoài Bắc.

Tây Nguyên mùa xuân, mùa hoa cà phê nở trắng, mùa con ong đi lấy mật gọi mời du khách

Buôn Đôn nay khang trang và đẹp hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đến nơi đây du khách sẽ có những trải nghiệm không quên khi cưỡi voi Bản Đôn khám khá bản làng và đi qua dòng sông Serepok sử thi huyền thoại. Đây là dòng sông lớn nhất tỉnh Đaklak, không như tất cả dòng sông khác chảy xuôi, Serepok chảy ngược và đoạn qua Buôn Đôn thì chảy ngang. Khám phá dòng sông sử thi trên lưng voi đem đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có chút ngạc nhiên, chút lo sợ và chút hào hứng xen lẫn với đó là niềm vui khi đã chinh phục được con sông hùng vĩ cùng ấn tượng khó phai.
Xung quanh Buôn Đôn có nhiều điểm thú vị du khách có thể khám phá như cây cây dây, những cây cổ nghiêng mình bên dòng sống với những bộ rễ dài tuyệt đẹp. Tìm hiểu đời sống của bà con dân bản, những vị thuốc quý hay những bộ trang phục dân tộc cũng là những kỉ niệm hay và đừng quên thưởng thức ly cà phê ở ngay bản làng.
Những cung đường lên dốc quanh co hai bên đường là đất đỏ bazan và vườn hồ tiêu, vườn cà phê, hay vườn sầu riêng… cũng là một nét đẹp rất đặc trưng ở xứ sở của đàn chim Chơ rao, của bóng cây Kơnia.

Tây Nguyên mùa xuân, mùa hoa cà phê nở trắng, mùa con ong đi lấy mật gọi mời du khách

Rời Đaklak trong những ngậm ngùi luyến tiếc vì thiếu thời gian chúng tôi lên xe tiếp tục hành trình khám phá Gia Lai, nơi có “Đôi mắt Pleiku Biển hồ đầy”, lời bài hát ấy đã thúc giục chúng tôi mau đến với biển Hồ, đến với người dân của mảnh đất cao su huyền thoại. Biển Hồ quả thực rất đẹp, nước xanh màu xanh ngọc bích, khung cảnh nên thơ hữu tình. Đi thuyền chạy dọc biển hồ, ngắm những cảnh đẹp, cuộc sống thường ngày, hình ảnh người dân bắt cá mưu sinh, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp bình yên ở nơi đây.
Khám phá rừng cao su, thành phố Peleiku tươi trẻ đầy sức sống hay trò chuyện với người dân bản làng đem đến cho chúng tôi những cảm xúc khó phai.

Nguồn Vietravel