Tây Nguyên ứng phó cháy rừng
Nắng nóng và khô hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích rừng tại Tây Nguyên trong tình trạng nguy cơ cháy cao, có địa phương nằm trong mức cảnh báo cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Các chủ rừng và ngành chức năng đang ráo riết triển khai hàng loạt biện pháp phòng ngừa cháy rừng.
Người dân xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng thu dọn thực bì để phòng cháy rừng.
“Bà hỏa” rình rập
Huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Huyện có 37.000ha rừng, trong đó khoảng 20.000ha rừng dễ cháy. Khảo sát tại một số khu vực rừng trồng trên địa bàn cho thấy lá khô rụng đã tạo thành từng lớp thực bì dày cộm bám trên đất. Từ tháng 11-2014, khí hậu ở Ea H’leo đã bắt đầu hanh khô, trong khi khu vực này vẫn còn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, săn bắn, khai thác gỗ, đốt ong lấy mật nên rất dễ xảy ra cháy.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 500.000ha rừng (470.000ha rừng tự nhiên, 30.000ha rừng trồng). Thực trạng cho thấy nguy cơ cháy rừng diễn ra ở hầu hết các địa bàn, nhất là các huyện Ea Súp và các huyện phía Đông tỉnh như Ma Đrắk, Krông Bông… Đây là nơi tập trung phần lớn rừng trồng, nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm, nếu cháy sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Tại Lâm Đồng, nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn đang bị “bà hỏa” rình rập. Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh có 600.000ha rừng các loại và gần như toàn bộ diện tích này đang được cảnh báo cháy rừng ở mức độ nguy hiểm hoặc cực kỳ nguy hiểm. Các khu vực có nguy cơ cháy cao là Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, rừng trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Ghi nhận thực tế tại đồi thông trên tỉnh lộ 723, thuộc các xã Đa Nhim, Đạ Sa (huyện Lạc Dương), lá thông khô rơi bám từng lớp dày cộm trên đất. Khu vực này nằm cạnh rẫy, người dân hay đốt dọn nương rẫy nên rất dễ sinh lửa.
Tiến sĩ Ngô Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 4 (thuộc Cục Kiểm lâm, phụ trách 11 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh Tây Nguyên), cho biết: “Tại Tây Nguyên, các điểm dễ cháy nhất ở rừng khộp Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và rừng thông Lâm Đồng. Trong số các vụ cháy rừng có 90% lửa rừng do con người gây ra”. Thực tế trong đầu mùa khô năm nay, nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên đã bị “bà hỏa” thiêu rụi.
Tại Đắk Nông, một vụ cháy rừng xảy ra tại lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 1807 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (huyện Đắk G’long) đã thiêu rụi 2.000m2 rừng le, lồ ô. Còn ở Lâm Đồng, hỏa hoạn cũng thiêu rụi 0,6ha rừng thông năm thứ 3 do Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý, ngoài ra còn xảy ra 5 vụ cháy thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng với diện tích 4,1ha. Nguyên nhân cháy rừng do người dân đốt nương làm rẫy gây cháy lan…
Chủ động ngăn chặn nguồn lửa
Bộ NN-PTNT xác định Tây Nguyên là một trong những địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao, vì vậy đã đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cháy để sớm xây dựng kế hoạch bảo vệ.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu mùa khô, sở đã giao Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn 13 hạt kiểm lâm và đội kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy (PCCC). Các đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy rừng đã được phê duyệt từng năm; đẩy mạnh việc giám sát, bố trí lực lượng thường xuyên ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy để sẵn sàng ứng phó.
Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng túc trực 24/24 giờ tại những điểm có nguy cơ cháy cao. Tỉnh đã trích ngân sách gần 14 tỷ đồng để thực hiện các phương án phòng cháy như: thu thập số liệu khí tượng, trực kiểm tra PCCC, sửa chữa phương tiện phục vụ PCCC, làm mới chòi canh lửa, làm mới biển báo cấm lửa, làm đường ranh cản lửa, làm giảm vật liệu cháy… Một phương án phòng cháy mới được Lâm Đồng áp dụng để phòng chống cháy rừng là xây dựng mô hình tổ đội chuyên trách PCCC, trong đó hợp đồng với các thành viên hộ nhận khoán để tuần tra bảo vệ, PCCC.
“Mô hình này tiết kiệm được 25% chi phí công tác chống cháy rừng, quan trọng là công tác tuần tra, bảo vệ được sâu sát, toàn diện, hiệu quả phòng cháy rất cao. Nhiều địa phương như thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng áp dụng và thu được thành công. Chúng tôi đang tiếp tục lên kế hoạch mở rộng mô hình này đến các địa bàn trong toàn tỉnh”, ông Nguyễn Khang Thiên nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Ngô Tiến Dũng, để tránh “bà hỏa”, cách tốt nhất là chủ động ngăn lửa. Các tỉnh Tây Nguyên cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng cấm như cách Vườn quốc gia Yok Đôn đang phát thẻ cho người dân ra vào rừng. Điều này giúp ngăn chặn được sự xuất hiện của lửa rừng do con người gây ra
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai công tác phòng chống cháy rừng với các tỉnh Tây Nguyên để có những phương án phối hợp phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả là cần phải giám sát chặt chẽ các chủ rừng trong việc phòng cháy rừng, gắn trách nhiệm của chủ rừng nếu để xảy ra cháy”, tiến sĩ Ngô Tiến Dũng thông tin.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.