“Thần chết” tuyệt đẹp thời cổ đại đang tấn công 33 quốc gia
Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân bất ngờ khiến đội quân “tảo nở hoa”, thuộc lớp sinh vật cổ đại, đang mang màu xanh đẹp và chết chóc phủ lên mặt nước khắp 6 lục địa.
Sinh vật có cái tên lãng mạn là “tảo nở hoa”, giúp mặt nước như phát sáng màu xanh lá huyền ảo, đang ngày một sinh sôi nảy nở và hiện diện trên cả 6 lục địa, theo nghiên cứu mới từ Viện Khoa học Carnegie.
Sác màu huyền ảo của những “thần chết” có từ thời cổ đại làm mặt nước hồ St. Clair ở biên giới Mỹ – Canada ánh lên sắc xanh lục huyền ảo – Ảnh: NASA
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 30 năm dữ liệu của NASA và dữ liệu từ vệ tinh gần trái đất Landsat 5 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ. Những hình ảnh vệ tinh đó đã giúp họ quan sát rõ bề mặt hành tinh từ năm 1984 đến 2013 với nhiều biến động. Hình ảnh của 71 hồ lớn thuộc 33 quốc gia rải rác trên khắp các lục địa của trái đất cho thấy màu xanh huyền bí của “tảo nở hoa” ngày một dày đặc ở 2/3 số hồ. Chỉ có 6 hồ có sự giảm nhẹ.
Hồ Okeechobee ở Florida (Mỹ) cũng ánh lên sắc màu xanh lá cây sáng, một trong các sắc độ và vi khuẩn lam khi nở hoa tạo nên – Ảnh: NASA
Bản chất của “tảo nở hoa” Algal Bloom chính là vi khuẩn lam, một lớp sinh vật cổ đại hầu như đã giữ nguyên bản chất từ thời nguyên thủy. Chúng sống trong tất cả các loại nước, nhưng có phần ưa những hồ nước sạch sẽ hơn. Khi những vi khuẩn này nở hoa, chúng tạo nên màu sắc xanh lam hoặc xanh lá cây đẹp, huyền ảo, và cũng có khi màu nâu hoặc đỏ.
Không may, đó là một vẻ đẹp chết chóc. Ngoài tác hại như chặn ánh sáng mặt trời mà các sinh vật thủy sinh khác cần để sống, chúng còn chiếm mất một lượng lớn oxy và chất dinh dưỡng. Không những thế, tảo nở hoa còn sản sinh độc tố cyanotoxin, một trong những chất độc tự nhiên mạnh nhất được biết đến, gây bệnh cho con người và các sinh vật khác, có thể hủy hoại hệ sinh thái dưới nước nơi chúng xâm chiếm.
Một sắc độ xanh chết chóc khác xuất hiện ở hồ Khanka, biên giới Nga và Trung Quốc – Ảnh: NASA
Nguy hiểm hơn, phân tích cho thấy dường như vị “thần chết” thời cổ đại này sinh sôi nhanh hơn theo sự ấm lên toàn cầu. Những hồ ít hoặc không bị gia tăng quân số tảo nở hoa là những nơi mà khí hậu ít hoặc không bị nóng lên. Vì vậy có thể nói biến đổi khí hậu chính là kẻ tiếp tay cho lớp sinh vật cổ đại này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.