“Thần tượng” đoạt 6 giải tại Cánh diều Vàng 2014
Không chỉ giành giải thưởng quan trọng nhất, bộ phim “Thần tượng” của đạo diễn Nguyễn Quang Huy còn được vinh danh ở các hạng mục như đạo diễn, quay phim, nam diễn viên phụ.
Đoàn phim “Thần tượng” lên nhận giải. Ảnh Vnexpres |
Tối 15/3, giải thưởng Cánh diều Vàng diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội để tôn vinh các bộ phim và cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho điện ảnh-truyền hình năm qua.
“Thần tượng”, bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Quang Huy, một ông bầu ca nhạc mới chuyển sang làm phim, đã giành 6 giải thưởng ở lĩnh vựcPhim truyện điện ảnh, bao gồm “Cánh diều Vàng cho phim truyện điện ảnh”, “Đạo diễn xuất sắc”, “Nam diễn viên phụ xuất sắc” (Ngô Kiến Huy), “Quay phim xuất sắc”, “Thiết kế mỹ thuật xuất sắc” và “Phim được báo chí bình chọn”.
Cũng ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, Cánh diều Bạc thuộc về 2 phim: “Tèo em” (đạo diễn Charlie Nguyễn) và “Âm mưu giầy gót nhọn” (đạo diễn Hàm Trần). Ngoài ra, BTC trao bằng khen cho phim “Cô dâu đại chiến 2” (đạo diễn Victor Vũ).
Ở hạng mục Phim ngắn năm nay không có Cánh diều Vàng. Cánh diều Bạc được trao cho phim: “Con đường đi học” của đạo diễn Hà Lệ Diễm, phim “Đường về” của đạo diễn Đinh Trần Việt Thúy và phim “Thiếu” (đạo diễn Lê Hiếu).
Còn hạng mục Phim hoạt hình, Cánh diều Vàng thuộc về phim “Đàn sếu trở về” (đạo diễn Đoàn Minh Uyển). 2 phim: “Mỵ Châu-Trọng Thủy” (đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn), “Bay về phía bầu trời” (đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Linh) giành Cánh diều Bạc.
Ở thể loại Phim khoa học, Cánh diều Vàng thuộc về phim “Chuyện của đá” (Đạo diễn Nguyễn Tài Văn). Cánh diều Bạc được trao cho 2 phim: “Bảo tồn vượn Cao Vít” (đạo diễn Nguyễn Hồng Quảng) và “Sinh ra trong mùa nổi” (đạo diễn Vũ Hoài Nam).
Hạng mục Phim tài liệu và Phim tài liệu truyền hình không có Cánh diều Vàng. 4 phim đoạt Cánh diều Bạc gồm: “Chuyện về bến nước, núi rừng và nương rẫy” (đạo diễn Đỗ Đại Tín); “Những tâm hồn Việt trên đất Nhật” (đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh), “Thầy tôi – Nhà văn Kim Lân” (đạo diễn Nguyễn Minh Bảo-NSƯT Nguyễn Lê Văn), “Làm giàu từ đất” (đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng), và “Có một cơ hội bị bỏ lỡ” (đạo diễn Nguyễn Mộng Long-Uông Thị Hạnh).
Hạng mục Phim truyện truyền hình, Cánh diều Vàng thuộc về phim “Thuyền giấy” (đạo diễn Nhâm Minh Hiền). Cánh diều Bạc được trao cho 3 bộ phim: “Bình Tây Đại nguyên soái” (đạo diễn Phan Hoàng), “Huế – mùa mai đỏ” (đạo diễn NSƯT Trần Vịnh) và “Chạm tay vào nỗi nhớ” (đạo diễn Vũ Hồng Sơn).
Giải đặc biệt của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng được trao cho bộ phim “Những người viết huyền thoại”.
Ảnh VGP/Phan Trang |
Danh hiệu “Nữ diễn viên chính xuất sắc” đã thuộc về Kathy Uyên của phim “Âm mưu giày gót nhọn”. Và giải “Nam diễn viên chính xuất sắc” thuộc về Thái Hòa của phim “Tèo em”.
MC Thùy Linh của Bài hát yêu thích là người dẫn chương trình trong đêm trao giải cùng Phan Anh. Ở hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc”, cô trở thành người chiến thắng.
Phim tư nhân áp đảo ở hạng mục Phim truyện điện ảnh
Nếu như những năm trước, các liên hoan phim hay giải Cánh diều Vàng thường vắng bóng phim do các hãng tư nhân sản xuất, thì 2 mùa giải gần đây, điện ảnh Việt được mùa phim tư nhân, khi ngày càng có nhiều phim tư nhân có chất lượng tốt, được công chúng ghi nhận tham gia và giành giải.
Tiêu biểu ở hạng mục Phim truyện điện ảnh dự tranh giải Cánh diều Vàng năm nay có đến 12 tác phẩm do các đơn vị tư nhân sản xuất, gồm: “Tèo em”, “Và anh sẽ trở lại”, “Săn đàn ông”, “Sau ánh hào quang”, “Thần tượng”, “Hiệp sĩ guốc vông”, “Cô dâu đại chiến”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Đường đua”, “Tiền chùa”, “Gác kiếm”, “Tía ơi”.
Bộ phim duy nhất do Nhà nước đầu tư sản xuất tham gia tranh giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh là “Những người viết huyền thoại”.
Sự áp đảo của phim do các hãng tư nhân sản xuất tham gia tranh giải Cánh diều Vàng năm nay đã phần nào xóa bỏ định kiến của dư luận trước đây về dòng phim thị trường. Điều này cũng chứng tỏ xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ trong bộ môn “nghệ thuật thứ bảy”.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.