Thành phố mang tên Người trong vóc dáng mới
40 năm sau chiến tranh, Sài Gòn thay da đổi thịt khó tin. Những kênh nước đen, những khu ổ chuột, những bãi tha ma đã trở thành những cao ốc tài chính – ngân hàng, thành nơi vui chơi, hóng mát, thành không gian xanh… sáng rực phố phường. 40 năm, TP Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người ngỡ ngàng trong mỗi một lần trở lại.
“Kênh nước đen” thành nơi hò hẹn
Mới đây, một người bạn ở Hà Nội vào chơi. Tìm món đãi bạn, mấy anh chàng đất phương Nam chúng tôi nghĩ tới bánh canh ghẹ ở chân cầu Bông. Người bạn biết nó nằm ở địa danh từng nổi tiếng xú uế là “kênh nước đen” Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì băn khoăn lắm. Không sao, cả bọn vẫn lên xe.
Nắng chiều rải nhẹ trên mặt kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khiến bóng người câu cá chấp chới, lăn tăn. Người bạn phương Bắc dường như ngạc nhiên với sự thay da đổi thịt ở cái chốn được coi là “bẩn nhất Sài Gòn” này. Quán chúng tôi ngồi nằm phía đường Trường Sa uốn lượn theo con kênh, bên bờ đối diện là đường Hoàng Sa, cũng uốn lượn tương tự. Dọc hai con đường đều có bờ kè thiết kế đẹp lại đầy cây cỏ, có băng ghế đá để khách bộ hành nghỉ chân. Cư dân thành phố, già có, trẻ có đang thả cần trên con kênh xanh, người đi bộ tập thể dục trên bờ kè cũng khá đông. Trông thấy cảnh chiều trên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chị bạn sống ở Thủ đô ngỡ ngàng “Kênh nước đen là đây sao?”.
Chị bạn tôi ngỡ ngàng chẳng phải không có lý. 5-10 năm trước và xa hơn nữa, ai nhìn thấy kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng phải lắc đầu ngao ngán. Mấy chục năm “chết” với cái tên gọi “kênh nước đen”, người dân sống hai bên bờ kênh này lâm cảnh cực chẳng đã triền miên vì mùi hôi thối xộc vào tận phòng ngủ, phòng bếp. Hai con đường ven kênh thì lô nhô, lổm nhổm, rác thải đầy tràn. Hồi đó mà đưa chị bạn Hà Nội băng qua cầu Bông còn phải đưa tay che mũi chứ sao có thể ngồi nơi chân cầu mà nhâm nhi món bánh canh ghẹ? Sau 10 năm kiên trì “tẩy uế” dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, cải tạo bờ kè, làm đẹp cung đường Trường Sa-Hoàng Sa, hồi tháng 8/2012 chính quyền TP HCM chính thức hoàn tất công trình dân sinh đặc biệt này.
Hồi TP HCM tổ chức khánh thành công trình làm sạch-đẹp kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hàng triệu người dân sống dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm, một “kênh nước đen” tương tự, chỉ ao ước con kênh trước nhà cũng “bớt đen” vào một ngày nào đó. Tới đầu tháng 4, TP HCM tổ chức khánh thành giai đoạn 1 công trình này khiến cả triệu người dân phấn khởi. Cụ bà Nguyễn Thị Lệ, 78 tuổi ở Tân Thới Hòa, Q. Tân Phú có nhà ở sát “kênh nước đen” này đau đáu nỗi niềm khi chứng kiến con cháu của mình thoát nỗi chịu đựng con kênh hôi thối bao năm qua, phấn khởi: “Tụi nhỏ có môi trường sống khác mình rồi”!
Đường, cầu vượt điểm tô đô thị
Cách đây vài năm, ai đó đi từ Đà Lạt về hoặc đi từ Cần Thơ lên TP HCM sẽ không mấy ngán quãng đường xa vài trăm cây số, mà lại thực sự sợ quãng đường chỉ hơn chục cây số từ cửa ngõ TP vào bến xe miền Tây hay bến xe miền Đông. Nếu 100 cây số ngoài quốc lộ đi mất 2 giờ đồng hồ thì hơn 10 cây số từ cửa ngõ vào trung tâm TP HCM cũng mất từng ấy thời gian vì đường chật, xe đông, tắc đường như “cơm bữa”. Đến thời điểm này, nỗi lo sợ đó đã hoàn toàn tan biến vì đường vào TP HCM đã thông thoáng hơn rất nhiều. Không chỉ mở rộng, lắp đặt cầu vượt ở các trục đường cửa ngõ cả cũ và mới, chính quyền TP HCM còn xây dựng hàng loạt đại lộ rộng đẹp như đường vành đai ngoài, đường vành đai trong, cao tốc Long Thành – Dầu Dây, cao tốc Trung Lương – TP HCM…, giúp người dân vào – ra nhanh chóng, dễ dàng.
Trong khu vực nội thành, cầu vượt đã thực sự trở thành “át chủ bài” giải quyết bức bối về ùn tắc giao thông. Mỗi năm cư dân TP HCM lại chứng kiến hàng chục cầu vượt mọc lên, đến nỗi cư dân quen thuộc đường xá tại đô thị này không khéo còn lạc đường vì cảnh “mới quá, lạ quá” diễn ra liên tục. Đến hôm nay, hầu hết các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trước đây khiến người dân khổ sở đã có cầu vượt. Đến nay, khi đêm xuống, với hệ thống đèn chiếu sáng mà mỗi cầu vượt thiết kế mỗi kiểu, đường phố Sài Gòn còn trở nên lung linh, rực sáng hơn. Theo dự kiến, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, công trình cầu vượt tại Ngã 6 Gò Vấp sẽ được khánh thành.
Hồi cuối năm 2011, một công trình giao thông vừa thiết thực vừa đầy tính biểu tượng ở TP HCM khánh thành, khiến cư dân đô thị này, cũng như hàng triệu người dân cả nước, vỗ tay reo mừng: Đó là hầm vượt sông Sài Gòn, hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm. Sau khi thông xe, hầm Thủ Thiêm lập tức kết nối bán đảo cùng tên với trung tâm TP HCM, mở ra khả năng hiện thực hóa vùng đất sình lầy thành khu đô thị hiện đại. Trên thực tế, hàng loạt dự án dân cư, thương mại… đã và đang mọc lên, biến Thủ Thiêm ngày nào muốn đến phải lạch cạch lên phà, trở thành “chú thiên nga” cạnh trung tâm TP HCM.
Cao ốc thắp sáng bầu trời đêm
10 năm trước, đứng trên cầu Sài Gòn có thể đếm hết cao ốc tại TP HCM. Hôm nay, chuyện đó đã trở thành chuyện không thể.
Nếu muốn đếm cao ốc, có lẽ người ta phải chịu khó tìm đến tòa tháp tài chính Bitexco ở trung tâm Q.1. Tòa cao ốc này khánh thành hồi tháng 10/2010, cao 262m, đang là “quán quân cao ốc” tại TP HCM. Từ cao ốc này, mọi người có thể phóng tầm mắt khắp đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam. Dự kiến đến tháng 10/2015, một tòa nhà được xem là “á quân cao ốc”, chỉ đứng sau cao ốc Bitexco về độ cao, sẽ đi vào hoạt động. Đó là cao ốc Vietcombank cũng được xây dựng tại trung tâm Q.1, cao 206m.
Đến TP HCM vào thời điểm này, đặc biệt là vào ban đêm sẽ thấy cả một đô thị rực sáng. Ngoài ánh sáng ở những đại lộ thoáng đẹp, còn có ánh sáng ở những cầu vượt khoe dáng hiện đại, cũng không thiếu ánh sáng hắt lên từ các con kênh xanh. Còn cao ốc ở TP HCM về đêm, nếu ai đó hình dung phong phú, sẽ tưởng như những cột đèn cao áp mà đô thị này thiết kế để thắp sáng bầu trời. Dọc theo các trục đường lớn, những đại lộ mới mở, người đi đường dễ dàng bắt gặp ánh sáng hắt lên cả một vùng trời và nghe âm thanh rộn rịp của hàng trăm công trình xây dựng đô thị mới, cao ốc mới, chung cư mới, trung tâm thương mại mới… Bộ mặt TP HCM sau 40 năm đã thay đổi mạnh mẽ và còn đang tiếp tục hành trình “làm mới mình” cho xứng với tầm vóc thành phố mang tên Bác.
Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.