Ngày 9-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy – UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Tại điểm cầu TPHCM, tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ và các chuyên gia, nhà khoa học…
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện. Từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước và khu vực.
Các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đóng góp GRDP chiếm 35% của cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách của nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần và tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần của cả nước. Dẫn chứng những số liệu thống kê này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đóng góp lớn và tầm quan trọng của vùng Đông Nam bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Theo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 53 và Kết luận 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu trên các lĩnh vực góp phần quan trọng cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước. Đồng thời là cầu nối hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hội nghị tập trung thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng, đó là phân tích đánh giá, nêu bật được kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, chỉ ra các nút thắt, điểm nghẽn cho vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, xác định các nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề nghị hội nghị tập trung phân tích vùng Đông Nam bộ đã vận dụng những sáng tạo nào để phát triển.
Cùng với đó, phân tích bối cảnh tình hình trên thế giới, khu vực và cả trong nước hiện nay; đặc biệt là những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích trong tình hình hiện nay có những thách thức và cơ hội nào. Bên cạnh đó, đánh giá những tiềm năng khác biệt, cơ hội, các lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng khác của nước.
Thủ tướng đề nghị, hội nghị tập trung đánh giá đúng và trúng. Trên cơ sở đó, tạo ra những đột phá, tầm nhìn chiến lược cho vùng. Đồng thời đưa ra mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị có 9 thành tựu, trong đó tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất của cả nước, vượt mục tiêu đặt ra.
Vùng Đông Nam bộ đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách lớn; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước.
Trong vùng, TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước…. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững, đồng bộ; hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn, xuống cấp, thiếu kết nối đồng bộ…
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.