Thảo luận cơ chế nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát và phản biện xã hội
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Công tác giám sát, phản biện xã hội MTTQ đã thực hiện được 3 năm (2014-2015-2016) dựa trên 3 cơ sở: Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, và Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Theo Quyết định 217, 218 đối tượng giám sát là các tổ chức Đảng và đảng viên, nhưng Luật MTTQ Việt Nam được thông qua không có 2 đối tượng này mà chỉ có đối tượng là cán bộ, công chức cơ quan nhà nước. Cho nên, Nghị quyết này là hướng dẫn cho hệ thống chính quyền chứ không hướng dẫn cho hệ thống Đảng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, qua 3 năm triển khai tại 63 tỉnh, thành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đã tiến hành giám sát, thực tế cả 4 cấp đều tiến hành công tác giám sát phản biện. Theo đánh giá sơ bộ trong năm 2016, ở 63 tỉnh, thành đã tiến hành trên 500 cuộc giám sát đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nhưng mặt khác cũng bộc lộ nhu cầu cấp bách là phải thông qua Nghị quyết liên tịch này để giám sát có hiệu quả hơn, đặc biệt là tính hiệu lực hiệu quả của giám sát và phản biện. Mặt trận giám sát không có chế tài mà chế tài thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, dự thảo Nghị quyết này phải kết nối được cái đó. Mặt trận thực hiện giám sát, nhưng kết quả của Mặt trận được chuyển sang cơ quan Nhà nước các cấp; lúc đó xử lý chế tài thì mới có tác dụng trong xã hội.
Trình bày tờ trình, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Mặc dù Luật MTTQ Việt Nam đã dành riêng hai chương về hoạt động giám sát và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, đây được xem là bước tiến khá cơ bản, toàn diện, cụ thể về mặt pháp lý đối với hai nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, để các quy định này có điều kiện triển khai trên thực tế một cách hiệu quả, cần phải tiếp tục cụ thể hóa một cách đầy đủ, chi tiết đối với Điều 27 và Điều 34 theo yêu cầu của luật; trên cơ sở làm rõ về cách thức, quy trình các bước thực hiện đối với từng hình thức của hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội là rất cần thiết, để căn cứ vào đó các bên trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội có điều kiện thực hiện theo quy trình nhất định, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Một nội dung quan trọng của Nghị quyết liên tịch này đó là chủ thể giám sát và phản biện xã hội, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực hiện nay có 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, chủ thể chủ trì giám sát và phản biện xã hội được quy định trong Nghị quyết liên tịch này chỉ nên là MTTQ Việt Nam mà không bao gồm 05 tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức thành viên khác.
Ý kiến thứ hai cho rằng, chủ thể chủ trì thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội là Ủy ban MTTQ Việt Nam; các tổ chức chính trị – xã hội chủ trì giám sát, phản biện xã hội theo đề nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên khác có trách nhiệm phối hợp trong một số trường hợp nhất định có liên quan.
Làm rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay, nhìn lại 03 năm qua, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 05 tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội.
Khi tham gia giám sát hay phản biện xã hội với tư cách chủ trì, thì chủ thể là Ủy ban MTTQ Việt Nam hay là các tổ chức chính trị – xã hội phải có những quyền độc lập, tự chủ và chịu trách nhiệm nhất định trong các hình thức giám sát, phản biện xã hội mà mình thực hiện. Dự thảo Nghị quyết liên tịch được thể hiện theo loại ý kiến thứ hai, nhưng đã cố gắng làm nổi bật vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Đây là vấn đề mới, MTTQ đã mạnh dạn chủ động cho nên lần này góp ý kiến là bước đầu. Do đó nội dung cần thể hiện rõ 3 chủ thể Mặt trận, UBTVQH, Chính phủ. Phạm vi nghiên cứu đối tượng giám sát liên quan đến chủ thể giám sát cho nên làm sao để không chồng chéo trùng lắp với các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong phối hợp như thế nào để nhắc nhở đôn đốc bộ máy nhà nước vận hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: MTTQ đã chủ động chuẩn bị trước, 3 cơ quan UBTVQH, Chính phủ, Mặt trận phối hợp chặt chẽ với nhau hoàn thiện văn bản để trình và thông qua tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phạm vi điều chỉnh thống nhất như báo cáo của Mặt trận và Ủy ban Pháp luật. Chủ thể giám sát và phản biện xã hội thống nhất là MTTQ Việt Nam các cấp và thành viên của Mặt trận theo đề nghị của UBMTTQ Việt Nam hoặc quy định của pháp luật. Còn chủ thể thành viên của Mặt trận nhưng tiến hành độc lập thì không nằm trong phạm vi của Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần tiếp thu để làm rõ vai trò của 3 bên trong phối hợp. Do đó tiếp tục hoàn thiện cho lần trình bày kế tiếp và có báo cáo chính thức.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.