Thảo luận tại Quốc hội: Nhiều ý kiến tâm huyết

Trong một ngày rưỡi thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế -xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn góp ý về những mặt được và chưa được; phản ánh các ý kiến tâm huyết, nguyện vọng tha thiết của cử tri cả nước.

Phiên họp sáng 31/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Theo ghi nhận của các đại biểu, nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 có những chuyển biến tích cực, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng với GDP cả năm 2014 dự kiến đạt 5,8%. Đây là những tiền đề quan trọng cho năm bản lề 2015, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Bên cạnh việc đánh giá những gì đã làm được, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những mặt hạn chế của tình hình kinh tế – xã hội, từ đó hiến kế cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2015.

Số giường bệnh không phản ánh đúng thực tế công tác y tế

Là một trong những người đầu tiên tham gia thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội 2014, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành gửi Quốc hội lần này. Tuy nhiên, ông Tiên đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong lĩnh vực y tế mà cụ thể là chỉ tiêu giường bệnh. Theo đại biểu, dù đã đạt mục tiêu đề ra nhưng chỉ tiêu giường bệnh không phản ánh đúng được thực tế của công tác y tế hiện nay, chỉ tiêu 23 giường bệnh/1 vạn dân không đáng gì với sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và của ngành y tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên thay sử dụng chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu bảo hiểm y tế, vì đây mới là yếu tố thể hiện sự cố gắng của Đảng và Nhà nước dành tiền mua bảo hiểm y tế cho dân, sự vận động của các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, phản ánh đúng được thực tế của công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay. 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng kiến nghị phải cải tiến ngay việc tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân cùng với việc tăng cường năng lực cơ sở y tế tuyến dưới. Theo ông, đây là việc chúng ta có thể làm được mà lại giảm quá tải một cách rất nhanh chóng. Nếu chúng ta chỉ “hô” giảm quá tải nhưng các cơ chế, chính sách không có thì không biết bao giờ mới giảm được quá tải.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, làm chậm quá trình tái cơ cấu

Băn khoăn với chỉ tiêu duy nhất không đạt trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đánh giá tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm chậm quá trình tái cơ cấu, cải thiện sức cạnh tranh mà còn cảnh báo khó đạt chỉ tiêu cho năm 2015 và những năm sau. Điều lo ngại của đại biểu là thị trường lao động Việt Nam dù đang phát triển cả về lượng và chất, song vẫn còn những nghịch lý, đó là tình trạng vừa thiếu hụt bộ phận lao động chuyên nghiệp có trình độ cao nhất là các chuyên gia và nhà quản lý cao cấp, vừa đang dư thừa lượng lớn lao động xã hội. Trong đó khoảng 25 đến 30% công chức, viên chức khu vực nhà nước có chất lượng thấp, không hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng lại khó tinh giản hoặc bố trí việc khác.

“Trước mắt, tập trung đổi mới quyết liệt và thực sự hơn trong đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, trong đánh giá và tinh giảm biên chế, phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Về lâu dài chúng ta phải có đột phá mạnh về thể chế, chính sách, nguồn lực và nội dung giáo dục nhằm phát triển thị trường lao động chuyên nghiệp gắn kết chặt chẽ tài cơ cấu với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao”, bà Hà nhấn mạnh.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ phải là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội

Đề cập đến xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng: Dù Đảng và Nhà nước xác định khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế, đầu tư xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hiện chưa dành sự quan tâm thích đáng cho lĩnh vực này. Chỉ ra những bất cập, bà Thanh cho rằng số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 25 phần nghìn tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam đã lạc hậu và hết khấu hao. Thứ hai, nước ta gần như chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu của nó được thế giới biết đến. Mỗi năm chỉ có 1-2 sáng chế được đăng ký tại các quốc gia có uy tín trên thế giới. Từ đó, đại biểu đề nghị đưa việc phát triển khoa học, công nghệ, trong đó có đầu tư cho khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ trong nước là một trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, hàng năm, chúng ta cần có quy định tỷ lệ vốn nhất định trong tổng đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực khoa học, công nghệ; có cơ chế quản lý việc đầu tư khoa học, công nghệ gắn với sản phẩm khoa học, gắn với doanh nghiệp, người lao động và gắn với sản xuất. Đề tài, sáng kiến phải được ứng dụng trong thực tiễn để các sản phẩm sau khi ra đời tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, tránh hiện tượng đề tài khoa học chỉ cất trong tủ, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và lãng phí cho xã hội.

Vì sao phải nhập khẩu nông sản, trách nhiệm thuộc về ai?

Trăn trở với vấn đề tam nông, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhận định: Đây là một lĩnh vực đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người nông dân vốn chiếm hơn 70% dân số của Việt Nam. Khu vực này từ trước đến nay được xem là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng hiện nay nếu không có sự quan tâm đặc biệt cùng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì trụ đỡ đó có nguy cơ bị lung lay trong một tương lai không xa.

Tỏ ra xót xa cho nền nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Trần Quốc Tuấn dẫn ra số liệu tuy là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 chúng ta phải bỏ ra hơn 2 tỷ USD, tương đương với hơn 42 ngàn tỷ đồng để nhập khẩu 4.787 tấn nông sản chỉ với 3 loại, gồm ngô, hạt điều và đậu tương, tăng 31,3% so với năm 2013. Trong khi nông sản do người nông dân làm ra không được tiêu thụ, họ phải loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì và điệp khúc “được mùa mất giá”.

Trước thực trạng đáng buồn này, đại biểu đã mạnh dạn đặt ra câu hỏi vì sao nông sản trong nước làm ra không được tiêu thụ, trong khi chúng ta phải nhập khẩu các loại nông sản đó. Phải chăng ở đâu đó còn thiếu sự quyết tâm, thiếu sự nhiệt tình hay thiếu đồng bộ? Hoặc do cơ chế, chính sách còn chưa mạnh mẽ để tạo sự chuyển biến tích cực, giúp cho trụ đỡ của nền kinh tế ngày một vững chắc hơn. Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn tha thiết đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có hướng chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó. Trước mắt cần định hướng quy hoạch lại một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu phải gắn với vùng nguyên liệu, cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, chỉ khi nào cuộc sống của người nông dân, thu nhập của nông dân được ổn định, mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mới có thể hoàn thành./.

Nguồn ĐCSVN