Thật sự đổi mới khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng
So với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chúng ta nhận thấy Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã thể hiện sự kế thừa và phát triển sâu sắc, mạnh mẽ. Từ việc xác định nội dung, quan điểm, mục tiêu, phương châm thực hiện, các nhóm giải pháp và cách tổ chức thực hiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, |
Nếu Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) xác định 10 vấn đề cơ bản và cấp bách thì Nghị quyết T.Ư 4 tập trung xác định ba vấn đề cấp bách, đồng thời nhấn mạnh vấn đề kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Để Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng thật sự đi vào cuộc sống, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta rất quan tâm ở khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống. Nghiên cứu Chỉ thị và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 do Bộ Chính trị đề ra, chúng ta nhận thức được quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta trong thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Quyết tâm chính trị này, trước hết, thể hiện tập trung vào việc đổi mới mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện, từ xác định rõ cách làm, việc phải làm và tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên phải thực hiện và thời gian phải hoàn thành.
Nổi bật trong đổi mới khâu tổ chức là phát huy dân chủ trong Đảng: Dân chủ trong sinh hoạt lãnh đạo, dân chủ trong công tác cán bộ, dân chủ trong thực hiện quyết tâm phê bình và tự phê bình. Chỉ thị và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Bộ Chính trị đã cụ thể hóa việc mở rộng dân chủ trong một số hoạt động sau: Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; xây dựng, thực hiện kế hoạch tổ chức điều tra dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những dự kiến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế - xã hội để tham khảo, xem xét trước khi ra quyết định. Thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy Đảng các cấp. Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; cơ chế Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng. Xây dựng và đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong phê bình và tự phê bình như: Trước khi kiểm điểm phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp và các đồng chí nguyên là cấp ủy cùng cấp. Cán bộ, đảng viên kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Nếu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không nhận thức được sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm được nêu ra, kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và cư trú. Những trường hợp có vi phạm và tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, tích cực khắc phục, chỉnh sửa sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật. Thông báo kết quả kiểm điểm của cán bộ, đảng viên đến những nơi đã góp ý trước kiểm điểm. Xây dựng và thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ phải xem xét được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Đồng thời với việc mở rộng dân chủ trong Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về tổ chức cán bộ theo hướng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu từ đánh giá, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đổi mới chính sách tiền lương, nhà ở theo hướng chống bình quân cào bằng, chống đặc quyền đặc lợi. Đổi mới và thực hiện chế độ giám sát cán bộ các cấp kể cả cấp cao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn, tăng cường trách nhiệm cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Với sự nhất trí cao trong toàn Đảng và đồng thuận toàn xã hội, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị gương mẫu, kiên quyết tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, nhất định Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” sẽ đi vào cuộc sống. Nhất định chúng ta sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được nguy cơ, thách thức sự tồn vong của Đảng, của chế độ, nhất định Đảng ta - Đảng do Bác Hồ tổ chức và rèn luyện, sẽ ngày càng trong sạch và vững mạnh, ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của toàn dân, toàn quân ta./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.