Thấy gì từ những diễn biến bất thường của thời tiết?

Thời gian qua, một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đó là tình trạng diễn biễn hết sức phức tạp của thời tiết ở nhiều địa phương. Trong đó, tình hình xâm nhập mặn “chưa từng có” ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và khô hạn nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đang đặt ra cho các cơ quan chức năng cùng người dân các khu vực này nhiều “bài toán” trong bảo đảm đời sống và duy trì sản xuất.

Địa phương hay bị hạn hán, cần có kế hoạch giữ nguồn nước. Ảnh kinhtenongthon.com.vn

Từ những con số thống kê đáng suy nghĩ…

Tính đến thời điểm ngày 26/2, trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL, có 4 tỉnh là: Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang và Long An đã chính thức công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn. Riêng tỉnh Long An, xâm nhập mặn được xác định ở cấp độ cao nhất, cấp độ 2.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán ở các tỉnh ĐBSCL đang ở trong giai đoạn “khốc liệt” nhất trong vòng 95 năm trở lại đây. Trong đó, 8 tỉnh ven biển bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu và Sóc Trăng là những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến hơn 950,58 nghìn ha/1,538 triệu ha, chiếm gần 62% diện tích canh tác lúa Đông xuân của ĐBSCL. Cũng do những diễn biến thất thường của tình trạng xâm nhập mặn nên còn có khoảng 80.000 – 90.000 ha lúa có nguy cơ phải xuống giống lại do lúa giống đã bị chết vì độ mặn cao.

Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, do lượng mưa chỉ đạt 50 – 60% so với mọi năm nên tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân đang ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên. Đã liên tục hơn 4 tháng nay, khu vực Tây Nguyên không có mưa. Điển hình là tại tỉnh Đắk Lắk, hiện có khoảng 35% trong số 599 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn không đạt dung tích thiết kế; trong đó có 20% hồ chứa chỉ đạt dưới 50% dung tích thiết kế. Toàn tỉnh có 244.971 ha cây trồng và 245 ha nuôi thủy sản nhưng dự kiến sẽ có tới 169.332 ha bị thiếu nước trầm trọng. Do đó, Đắk Lắk đã phải cắt giảm gần 1.100 ha canh tác lúa.

Đến những hệ quả tiêu cực

Có thể thấy, chưa bao giờ tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL và hạn hán tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ lại nghiêm trọng như hiện nay.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, chỉ tính từ vụ mùa năm 2015 đến nay, diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đã liên tục tăng lên: Vụ mùa năm 2015 là 30.000 ha; vụ Thu đông năm 2015 là 32.000 ha; vụ Đông xuân 2015 – 2016 là 44.000 ha. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, thì diện tích lúa tại 8 tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn có thể lên tới khoảng 340 nghìn ha, chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển và 6,7% diện tích giống lúa Đông xuân 2015 – 2016 toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, diện tích có nguy cơ mất trắng là khoảng hơn 104,3 nghìn ha.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, khi độ mặn vượt quá 0,1% là nguồn nước không thể sử dụng cho sinh hoạt; nếu vượt quá 0,4% thì các loại cây trồng, vật nuôi sẽ có nguy cơ bị chết. Trong khi đó, tại một số địa phương của ĐBSCL, nhiều thời điểm độ mặn đã tăng lên tới 0,8 – 0,9%, thậm chí có nơi là 1,2%. Ví dụ như ở tỉnh Cà Mau, Đông xuân 2015 – 2016, tỉnh này có 10,4 nghìn ha bị thiệt hại, chiếm 28,5% tổng diện tích sản xuất, trong đó có 1.200 ha bị thiệt hại đến 70%.

Còn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt cũng đang gây nên những hệ lụy tiêu cực: Hàng vạn ha cà phê không đủ nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt… Đặc biệt, việc thiếu nước do hạn hán đang đưa đến nguy cơ lớn về mất mùa của vụ cà phê năm nay. Tại các khu vực này, lưu lượng dòng chảy của các sông vẫn tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc trung bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 50 – 70%. Ở khu vực Trung và Nam Trung bộ, dòng chảy cũng thấp hơn nhiều năm tới 60 – 80%. Do đó, lượng nước phục vụ tưới cho diện tích cà phê không được bảo đảm. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất cà phê ở Tây Nguyên, nhất là cà phê vối là loại cà phê cần nhiều nước.

Theo thống kê, do thiếu nước làm giảm năng suất nên năm 2015, nước ta chỉ xuất khẩu được 1,34 triệu tấn cà phê với kim ngạch 2,67 tỷ USD, giảm hơn 20% so với năm 2014. Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), nhiều khả năng năm 2016, Việt Nam chỉ có khả năng xuất khẩu được khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân. Tình trạng thiếu nước trong thời gian dài đã dẫn đến những hiện tượng tranh giành nguồn nước ở một số địa phương, đe dọa sự ổn định về an ninh trật tự.

Cần một tầm nhìn dài hạn trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Những biến đổi của khí hậu, trực tiếp là tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, hạn hán nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đã có tác động rõ rệt và đe dọa đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Để ứng phó một cách có hiệu quả với  diễn biến phức tạp của thời tiết đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của từng người dân.

Trước mắt, cần nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để giảm thiểu những thiệt hại do xâm nhập mặn và hạn hán gây ra; không để người dân ở các khu vực này bị thiếu đói do sự khắc nghiệt của thời tiết. Tại những vùng xâm nhập mặn, cần tiếp tục khai thác các công trình thủy lợi, hướng dẫn người dân be bờ, ngăn luồng lạch không cho nước biển tràn vào; tiến hành bơm tiếp nước ngọt để làm giảm độ mặn, cứu lấy những diện tích lúa bị nhiễm mặn cường độ nhẹ. Đồng thời, tích cực theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân sớm gieo trồng những diện tích lúa bị chết sau khi xuống giống.

Tại những khu vực bị hạn hán, cần có giải pháp sử dụng hợp lý lượng nước đã tích trong các hồ chứa. Có thể nghiên cứu, khoan hạn chế một số giếng nước ngầm để giải quyết nhu cầu nước ngọt. Tuy nhiên, cần chú ý quản lý lượng giếng nước ngầm, tránh tình trạng ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên nước ngầm. Các cấp chính quyền cũng cần tính toán phương án bảo đảm nguồn nước, để diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại những nơi có nguy cơ thiếu nước. Ở những vùng không đủ nước tưới cho lúa nhưng vẫn bảo đảm cho rau màu ngắn ngày hoặc khai thác được nguồn nước ngầm bổ sung, nước hồ, đập thì cần nhanh chóng chuyển đổi sang gieo trồng cây bắp, rau đậu và những loại cây trồng không đòi hỏi nhu cầu nhiều về nước tưới.

Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn gắn với những giải pháp đồng bộ để có thể chủ động ứng phó với những biến đổi phức tạp của khí hậu. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tại; chủ động trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; tăng cường việc phòng, chống xâm nhập mặn do nước biển dâng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng phát triển những giống cây trồng có năng lực chịu phèn, chịu hạn tốt; chú trọng sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Song song với đó, cần chú trọng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính liên ngành, liên vùng, mang lại lợi ích kép, vừa tăng cường khắc phục những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vừa bảo đảm giữ vững và phát triển đời sống mọi mặt của người dân./.

ĐCSVN