Thế giới ứng phó đại dịch Covid-19: Siết nhập cảnh, phong tỏa vùng dịch
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Tại châu Á, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố TP Daegu và 3 vùng lân cận ở tỉnh Bắc Gyeongsang là các vùng thảm họa đặc biệt, mở đường cho các hỗ trợ nhà nước đối với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Nhân viên y tế đón bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: THX
Tuyên bố đưa ra giữa lúc gần 90% ca nhiễm virus Sars-CoV-2 của Hàn Quốc được ghi nhận ở Daegu, TP lớn thứ 4 Hàn Quốc.
Hiện tất cả bộ ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24 giờ để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 131 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với các du khách từ Hàn Quốc.
Chính phủ Brunei đã công bố quy định cấm xuất cảnh, theo đó cả công dân Brunei và nước ngoài hiện đang lưu trú tại quốc gia Đông Nam Á sẽ không thể rời khỏi lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, giới chức y tế tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia đang truy tìm khoảng 350 cư dân có nguy cơ mắc Covid-19 sau khi tham dự một sự kiện tôn giáo lớn ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Theo tờ The Straits Times, 10.000 thành viên của Hội thánh Tablighi Jamaat đã tham dự sự kiện trên, trong đó có hơn 1.500 người nước ngoài đến từ 27 quốc gia, bao gồm 696 người từ Indonesia, 81 người từ Brunei và 95 người từ Singapore.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ họp khẩn trong ngày 16-3 , Bộ Y tế nước này sẽ đưa ra các biện pháp gồm cấm nhập cảnh đối với những người từ các vùng có dịch; đóng cửa những địa điểm giải trí có nguy cơ lây truyền cao và hủy bỏ các hoạt động tụ tập đông người. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ công khai các địa điểm bệnh nhân nhiễm virus, để người dân phòng tránh.
Chiều 15-3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng các nhà lãnh đạo và đại diện các quốc gia Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đã tổ chức hội nghị qua cầu truyền hình để đề ra một chiến lược chung đối phó với dịch Covid-19 hiện nay. Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp Covid-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD.
* Tại châu Âu, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 14-3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ phong tỏa 46 triệu dân trong khuôn khổ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày để chống dịch Covid-19 lây lan. Tây Ban Nha cũng đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng, quán bar và khách sạn trên toàn quốc. Tính đến tối 15-3, Tây Ban Nha cho biết số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua tại nước này đã tăng lên đến 7.753 người, số tử vong tăng lên 228 người.
Riêng tại Anh, ông Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh bày tỏ hy vọng cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc đối phó với virus Sars-CoV-2 sẽ tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Miễn dịch cộng đồng hình thành khi một tỷ lệ lớn (60%) người trong cộng đồng đã nhiễm bệnh và được chữa khỏi bệnh, từ đó họ trở thành lá chắn sống bảo vệ những người chưa bị nhiễm.
Hà Lan đã xác nhận thêm 8 trường hợp tử vong vì Covid-19. Theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia Hà Lan (RIVM), số ca mắc Covid-19 ở nước này đã tăng thêm 176 người, lên 1.135 người.
Cùng lúc này, Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với 3 nước Áo, Pháp và Thụy Sĩ trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân. Tại Rome, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết đang nỗ lực liên hệ với các đối tác để có thể đặt mua và nhận được các thiết bị bảo vệ y tế trong thời gian sớm nhất.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.