Thể thao Việt Nam: Đầu tư mạnh mẽ, bài bản cho các môn trọng điểm
Với chủ trương tập trung phát triển các môn trọng điểm, năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành Thể dục thể thao sẽ đầu tư mạnh mẽ, có bài bản các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới. Ngành phấn đấu đạt thành tích cao tại các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Chú trọng các môn thể thao trọng điểm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết, năm 2015, toàn ngành sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động thể dục thể thao, đề xuất các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác trong giai đoạn sắp tới, cũng như tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Đặc biệt, ngành tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) năm 2016, chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 (SEA Games 28) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 8 (Para Games 8) tại Singapore, Vòng loại Thế vận hội 2016 (Olympic 2016) tại Brazil.
Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên (ngoài cùng bên phải) đã vươn |
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra, trong năm 2015, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn cả nước, phấn đấu đưa chỉ tiêu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 28%, số gia đình tập luyện đạt 22%. Ngành chú trọng nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới; phấn đấu đạt thành tích cao tại SEA Games 28, Para Games 8, Vòng loại Olympic 2016 và giành kết quả cao tại các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Hướng tới đấu trường SEA Games 28 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2015 tại Singapore, công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam đã được bắt đầu. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội với 640 thành viên, trong đó có 440 vận động viên tranh tài ở 27 môn với 287/402 nội dung thi đấu. Với 24 môn và phân môn được đầu tư từ kinh phí nhà nước là: Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Bơi, Bắn súng, Kiếm, Rowing, Taekwondo, Judo, Xe đạp, Bắn cung, Canoeing, Boxing, Pencak Silat, Wushu, Bi-a, Bi sắt, Nhảy cầu, Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt, Bóng chuyền nam, nữ, Thể dục nghệ thuật, Cầu mây; còn lại 3 môn thi đấu theo kinh phí xã hội hóa là Golf, Bóng rổ, Bowling.
Tại SEA Games 28, Thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là thời gian, không giống như các kỳ Đại hội trước, SEA Games lần này được tổ chức sớm vào mùa hè nên việc chuẩn bị lực lượng, tinh thần thi đấu cho các vận động viên rất ngắn. Bên cạnh đó, nước chủ nhà sẽ không có làng vận động viên, thay vào đó là các đoàn sẽ được bố trí ở các khách sạn theo quy định của Ban tổ chức. Điều này cũng ít nhiều gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành các đội tuyển tham dự Đại hội. Ngoài ra, Ban tổ chức SEA Games 28 cũng cắt giảm nhiều môn, nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam như: Vật, Karatedo, Cờ, Bắn súng, Judo, Wushu, Boxing… Điều này đồng nghĩa với việc Thể thao Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội giành huy chương Vàng so với kỳ Đại hội trước.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, SEA Games 28 là đấu trường quan trọng của khu vực, Thể thao Việt Nam đã có những tính toán kỹ lưỡng để hoàn thành mục tiêu giành từ 56 đến 70 huy chương Vàng. Hiện tại, một số đội tuyển đã tập trung luyện tập ở 3 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Tổng cục Thể dục thể thao đã lên kế hoạch tập huấn nước ngoài cho các đội tuyển, quán triệt các đội tuyển tập trung tập huấn tại các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và đảm bảo tốt các điều kiện cho các đội tuyển nâng cao thành tích như tại Mỹ, Hungary, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hướng tới đấu trường thế giới
Với mục tiêu lấy đấu trường SEA Games làm “bàn đạp” cho Asiad và Olympic, Thể thao Việt Nam sẽ tập trung cao độ vào các môn trọng điểm mang tầm thế giới. Đây cũng chính là điểm nhấn của Thể thao Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng chia sẻ, việc chuẩn bị cho Asiad và Olympic là quá trình lâu dài và cần phải có sự đầu tư bài bản khi mà các quốc gia trong khu vực đều có sự đầu tư mạnh mẽ cho thể thao. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự đồng thuận từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các huấn luyện viên, vận động viên… Thể thao Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình với quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ đột phá này.
Điều này được thể hiện rõ, mục tiêu mà Thể thao Việt Nam hướng tới là có từ 25 đến 30 vận động viên lọt qua vòng loại Olympic. Các cuộc thi đấu vòng loại các môn bắt đầu từ năm 2014 đến tháng 7/2016.
Olympic 2016 sẽ diễn ra từ ngày 5 – 21/8/2016, tại Rio de Jeneiro (Brazil). Thế vận hội sẽ tranh tài 28 môn thể thao với 306 nội dung: Điền kinh, Rowing, Cầu lông, Bóng rổ, Quyền anh, Canoe/Kayak, Xe đạp, Đua ngựa, Kiếm, Bóng đá, Golf, Thể dục, Cử tạ, Bóng ném, Hockey, Judo, Vật, Thể thao dưới nước (Bơi, Bơi Việt dã, Nhảy cầu, Bơi nghệ thuật, Bóng nước), 5 môn phối hợp hiện đại (Chạy, Đua ngựa, Bơi, Đấu kiếm, Bắn sung), Bóng bầu dục, Taekwondo, Quần vợt, Bóng bàn, Bắn súng, Bắn cung, 3 môn phối hợp (Bơi, Đua xe đạp, Chạy bộ), Thuyền buồm và Bóng chuyền./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.