Thị trường thịt heo tết: Nguồn cung phong phú, giá không ổn định
Đủ nguồn cung
Đồng Nai hiện là địa phương thuộc tốp đầu cả nước trong việc tái đàn, khôi phục đàn heo sau bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn Đồng Nai đạt khoảng 2,2 triệu con, tăng gần 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tổng đàn heo của Đồng Nai tăng là do hầu hết các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn đủ điều kiện an toàn đã tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, tái đàn. Trong và sau đợt DTHCP, một số doanh nghiệp mới trong ngành chăn nuôi vẫn tập trung mở rộng đầu tư và bắt đầu có nguồn heo thịt dồi dào xuất ra thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, dù gặp khó khăn vì DTHCP nhưng thời gian qua, doanh nghiệp đã phát triển quy mô với 3 trại lớn, 1 cơ sở giết mổ và 2 cửa hàng kinh doanh thịt heo an toàn.
Cùng với đó, các chủ trại chăn nuôi heo nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang nỗ lực tăng đàn. Bị thiệt hại nặng sau đợt DTHCP, anh Trần Văn Khánh, chủ trại heo ở huyện Vĩnh Cửu quyết định thay đổi cách sản xuất. Để an toàn, anh đã bỏ ra 1 tỷ đồng đầu tư chuồng lạnh theo đúng chuẩn và hợp đồng nuôi gia công cho doanh nghiệp. Trước đây, nuôi 1.000 heo thịt thì giờ anh Khánh đã mở rộng quy mô, nuôi đến 1.500 con heo phục vụ tết.
Ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trại nuôi heo khác ở huyện Vĩnh Cửu, cho biết, trang trại đang tăng đàn hậu bị để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện trung bình mỗi tháng, trang trại của ông cung cấp ra thị trường 100 con heo thịt. Tại huyện Cẩm Mỹ, các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ cũng gầy lại đàn và cùng với các trang trại lớn của huyện đưa tổng đàn heo toàn huyện lên 200.000 con, đạt hơn 85% so với tổng đàn trước dịch.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Đồng Nai, hiện ngành chăn nuôi heo vẫn gặp rủi ro rất lớn nhưng thị trường thịt heo Tết Nguyên đán 2021 khó xảy ra khan hàng do nguồn cung được đảm bảo. Với số lượng heo mà tỉnh Đồng Nai hiện có, từ nay đến Tết Nguyên đán, khả năng thiếu hụt nguồn cung thịt heo cho TPHCM và các tỉnh thành lân cận khó xảy ra. Theo vị này, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các tập đoàn chăn nuôi, công ty giết mổ để nắm nguồn cung.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cũng đang nỗ lực khôi phục đàn heo nhằm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2021. Ở Bến Tre, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này, cho biết: với tổng đàn heo hiện tại hơn 350.000 con tỉnh vẫn có thể đảm bảo được nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Nhiều hộ chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay giá heo được thương lái mua tại chuồng không cao, nên một số hộ còn neo đến gần tết sẽ xuất bán. Theo ông Nguyễn Văn Cường, một hộ chăn nuôi ở đây, giá heo thịt được cân tại chuồng là 8 triệu đồng/tạ, còn thương lái bán ra khoảng 8,5 triệu đồng/tạ. Giá này người nuôi vẫn có lãi, nhưng so với năm trước thì giá heo thấp hơn khoảng 500.000 đồng/tạ. Vì vậy, gia đình còn neo lại chờ khi giá lên cao sẽ xuất bán.
Tại Đồng Tháp, ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh thuộc Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là hơn 71.000 con (thống kê vào tháng 10-2020). Mặc dù thời gian qua có dịch bệnh, nhưng ngành chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai tiêu độc, khử trùng, phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch và khẩn trương khôi phục đàn heo phục vụ cho thị trường tết.
Bên cạnh số lượng heo nuôi ở các tỉnh, lượng heo sống nhập từ Thái Lan về cũng tăng mạnh, cộng thêm thịt heo đông lạnh nhập khẩu tăng trong quý 4-2020 cũng giúp làm cho nguồn cung thịt heo thêm dồi dào.
Khuyến khích người dân lựa chọn thực phẩm khác
Trao đổi nhanh với phóng viên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, giá cả thịt heo tăng giảm là do nhu cầu thị trường quyết định. Tuy nhiên, về sản lượng thịt heo, các sở ngành đã làm việc kỹ với các DN chủ lực về việc chuẩn bị, dự trữ tăng khá cao so với kế hoạch thành phố giao. Trường hợp sức mua tăng vọt, TPHCM đã dự trữ sản lượng lớn thịt heo đông lạnh nhập khẩu với giá rất tốt để bù đắp phần thiếu hụt với mặt hàng thịt heo tươi. Mặt khác, TP cũng khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, thực phẩm tẩm ướp, giảm áp lực cho thịt heo.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm này mặt hàng thịt heo bày bán trên thị trường TPHCM rất dồi dào, phong phú. Sức mua thịt heo chung trên thị trường giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân chính là giá heo hơi từ đầu tháng 1-2021 đến nay đã tăng liên tục, từ 74.500 đồng/kg (giá heo loại 1 của Công ty CP) nay tăng lên mức 80.500 đồng/kg khiến nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân phần nào giảm bớt.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ cung cấp khoảng 50% sản lượng thịt heo cho thị trường TPHCM), đánh giá, đến thời điểm này vẫn chưa xác định giá heo hơi sẽ tăng đến mức nào. Điều đáng lưu ý, dù giá thịt heo tăng nhưng lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn không giảm, vẫn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng mới, xoay quanh mức 4.500 – 4.600 con/ngày.
Trước tình hình giá heo hơi đang có dấu hiệu tăng cao, ngày 12-1, Sở Tài chính TPHCM đã cho phép 4 DN chủ lực của TP (gồm Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM – Saigon Co.op, hệ thống siêu thị BigC, Công ty cổ phần Vissan và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) điều chỉnh tăng 6.000 – 15.000 đồng/kg, tương ứng mức tăng 4,1%-10%/kg đối với 8 sản phẩm thịt heo bình ổn thị trường (BOTT).
Cùng với điều chỉnh, Sở Tài Chính đã tiến hành chốt giá bán thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Như vậy, trong trường hợp giá heo hơi và thịt heo bán lẻ trên thị trường có biến động mạnh hơn nữa thì giá bán thịt heo trong chương trình BOTT vẫn giữ ổn định liên tục trong 60 ngày tới. Trường hợp giá heo hơi giảm, các DN sẽ phải tăng khuyến mãi sao cho giá bán trong chương trình BOTT luôn thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 5%-10%.
Tương tự TPHCM, theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, PGĐ Sở Công thương Đà Nẵng, thịt heo là mặt hàng dự kiến có nhu cầu cao vào dịp tết nên sở vận động các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm thịt heo trên địa bàn tham gia bán thịt heo BOTT Tết Nguyên đán 2021. Các điểm bán hàng bình ổn tổ chức dự kiến trong 3 ngày giáp Tết Nguyên đán, dự kiến ngày 9 đến 11-2, từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 mỗi ngày.
“Dự kiến có 15 – 16 điểm bán tập trung tại chợ gần các khu dân cư trên địa bàn thành phố, phân bổ hợp lý tại các quận/huyện, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Giá bán được niêm yết hàng ngày, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông”, ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết.
Cần tìm hiểu vì sao tăng giá
Trên thực tế giá thịt heo tăng không chỉ tác động trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng, mà ngay các thương nhân cũng lo ngại vì sức mua sẽ khó bật tăng như mong muốn do người dân cắt giảm chi tiêu hoặc sử dụng các loại thực phẩm khác. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giá heo hơi trong dịp Tết Nguyên đán dao động 78.000 – 80.000 đồng sẽ kích thích sức mua tốt hơn, đồng thời kéo giảm mức tăng CPI trong tháng tết vì thịt heo hiện chiếm tỷ lệ khá cao trong tỷ lệ thực phẩm của người dân.
Trước thực tế diễn biến của thị trường, nguồn cung thịt heo tại thời điểm này và chuẩn bị cho dịp tết sắp tới là khá dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, giá thịt heo trong những ngày qua vẫn tiếp tục tăng là do đâu? Do hút hàng dẫn đến nguồn cung khan hiếm hay còn vì lý do nào khác? Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những vấn đề này cần đặt lên bàn của các cơ quan chức năng, sớm tìm câu trả lời thỏa đáng, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, giá cả trong mùa kinh doanh cao điểm tết.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.