Thị trường tranh Việt: Chuyên nghiệp vẫn còn xa

Có hay không có một thị trường tranh Việt Nam có lẽ là câu hỏi lớn mà lâu nay giới chuyên môn và không ít những người yêu nghệ thuật luôn quan tâm tìm hiểu. Một thực tế phải nhìn nhận là cho đến nay, thị trường tranh Việt vẫn chưa thực sự ổn định và chưa chạm đến sự chuyên nghiệp.

Tranh nghệ thuật eo sèo

Chủ một phòng tranh ở Hà Nội kể câu chuyện cười ra nước mắt. Có vị khách người Hàn Quốc từng tới Việt Nam và bỏ ra trên 200.000 USD để mua một tập tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, khi thẩm định lại thì toàn bộ số tranh này đều là giả mạo. Một nhà sưu tập người Pháp đem đấu giá một bức của Bùi Xuân Phái và một bức của Nguyễn Sáng, nhưng khi về Việt Nam tìm hiểu mới biết, bức tranh của Bùi Xuân Phái đang nằm trong bảo tàng, còn Nguyễn Sáng thì ông chưa bao giờ vẽ tranh trên chất liệu lụa. Ông Đặng Hải Sơn, chủ phòng tranh Tự Do, một trong những gallery có thâm niên trên 25 năm tại TPHCM chia sẻ: “Kinh doanh tranh là một ngành khắt khe có mức độ rủi ro cao. Tác phẩm có chất lượng nhưng tùy thuộc vào phong cách sáng tác của họa sĩ nên độ thu hút khách sẽ khác nhau, không thể lấy số lượng khách hàng mua tranh làm thước đo tài năng họa sĩ”. Ông Hải Sơn nói thêm, trước đây trong số khách đến phòng tranh của ông mua tranh có đến trên 70% là người nước ngoài, khách trong nước rất ít. Nhưng nay, lượng khách trong nước đến mua tranh đã tăng lên gần 40%. Trong đó có nhiều khách hàng là doanh nhân. Đây là tín hiệu vui.

Thưởng lãm kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí

Một nguyên nhân không kém quan trọng là Việt Nam thiếu những người thẩm định tác phẩm chuyên nghiệp (còn gọi là curator hay giám tuyển). Ở các nước, chính những người này phát hiện ra nghệ sĩ tiềm năng và giới thiệu họ với giới phê bình mỹ thuật, người yêu tranh, với công chúng và dư luận, từ đó dẫn đến thành công về thương mại và bán được tranh. Ở TPHCM, các gallery theo khuynh hướng nghệ thuật đương đại, có giám tuyển chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức giao lưu với nghệ sĩ nước ngoài thường không nhiều, có thể kể đến gallery Tự Do, gallery Phương Mai, gallery Không Gian Xanh, gallery Quỳnh, sàn Art…

Một thực tế ai cũng nhận thấy là giá trị nghệ thuật của tranh Việt rất cao, nhưng hầu như giá tranh Việt trong khu vực và trên trường quốc tế còn khá khiêm tốn. Còn nhớ năm 1990, khi bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí được mua với giá tương đương 100.000 USD đã vấp phải nhiều phản ứng. Thế nhưng ít ai biết, một nhà sưu tập người Bỉ đã ngỏ ý mua lại bức tranh này với giá 1 triệu USD! Nhiều quốc gia trên thế giới ngỏ ý muốn thuê Vườn xuân Trung Nam Bắc để triển lãm mà không được. Mới đây, tại phiên đấu giá do Christie’s International tổ chức ở Hồng Công (Trung Quốc), tác phẩm tranh lụa Người bán gạo của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá kỷ lục hơn 8 tỷ đồng, khẳng định giá trị tranh Việt trên trường quốc tế. Nhưng đó là các họa sĩ bậc thầy, xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn các họa sĩ trẻ tạo ấn tượng trên trường quốc tế hầu như không đáng kể.

Tranh thị trường lấn át

Từ khá lâu rồi, hoạt động kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật trong nước thường xuyên rơi vào tình trạng trầm lắng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế… phần lớn các gallery sống được là nhờ các bức tranh trang trí với những mô típ tạo hình quen thuộc: phong cảnh, hoa lá, thiếu nữ. Những tác phẩm nghệ thuật đích thực thì rơi vào cảnh đìu hiu bởi “vạn người xem, có mấy người mua”. Một thực tế khá phũ phàng rằng, những người yêu thích tranh thì không có đủ tiền mua tác phẩm trong khi người có tiền, có điều kiện kinh tế thì lại không mấy mặn mà với tranh. Nhiều gallery vẫn đều đặn tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm mới nhưng khách mua tranh phần lớn là người nước ngoài. Cùng với khách nước ngoài, một lượng khách hàng trong nước ổn định giúp hình thành một thị trường thực chất là chuyện bình thường ở các nước, trong khi ở ta, nguồn khách hàng trong nước đến nay vẫn chỉ là mơ ước!

Chép tranh tại một phòng tranh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM).

So với thực tế thị trường tranh khá sôi động những năm đầu thập niên 90, giới chuyên môn cho rằng tranh Việt những năm gần đây đã không còn sự tươi mới của thời kỳ đầu đổi mới và mở cửa, cũng có ý kiến khác cho rằng nhiều tác giả mải mê thể hiện, theo đuổi các yếu tố hiện đại mà vô tình làm nhạt nhòa bản sắc truyền thống. Cùng với đó là vấn nạn tranh giả, tranh sao chép hàng loạt, tranh nhái tràn lan… không thể kiểm soát đã khiến thị trường tranh Việt lâu nay hầu như chỉ giậm chân tại chỗ. Chủ một phòng tranh trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM nhớ lại: “Chừng 7 – 8 năm trước, tranh ở đây bán đều đều cho khách nước ngoài. Nhiều khách châu Âu bước vào, xem xong là chỉ tay chọn một lần đến mấy bức. Giờ thì lâu lâu mới có khách vào xem tranh, thỉnh thoảng mới có người chọn một bức nhỏ giá rẻ mà cũng còn lưỡng lự”.

Ngoài ra, như một số nhà sưu tập tranh nhận xét: “Những hoạt động nhằm giới thiệu tranh Việt ra với bạn bè trong khu vực, thế giới vẫn theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân của họa sĩ hoặc gallery chứ chưa được tổ chức đàng hoàng, chưa được giới thiệu, quảng bá một cách bài bản, dài hơi, có kế hoạch chiều sâu để ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước, đồng thời thâm nhập, chinh phục những thị trường trong khu vực”. Để làm được điều đó, với vai trò cầu nối giữa các tác giả với các nhà sưu tập và người yêu tranh, các gallery cần phải được đầu tư đúng mức, hoạt động thật sự chuyên nghiệp. Không chỉ trưng bày và kinh doanh tranh, gallery còn là nơi cung cấp thông tin, kiến thức về tác phẩm, tác giả, về mỹ thuật để kích thích người xem, vun đắp tình yêu nghệ thuật. Chỉ khi hiểu rõ giá trị của tác phẩm và yêu nó thì người ta mới mong muốn được sở hữu tác phẩm ấy.

Muôn vàn khó khăn

Nhà giáo nhân dân – họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho rằng, mỹ thuật tiềm ẩn trong mọi lĩnh vực đời sống, tuy nhiên không phải lúc nào giá trị của nó cũng được nhìn nhận một cách đúng mực. Nhận định này phần nào được lý giải qua con số thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Qua khảo sát hiện nay có 40% dân số Việt Nam có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng loại hình ca nhạc; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng nghệ thuật điện ảnh; 10% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng các loại hình nghệ thuật sân khấu; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật văn học. Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân trong 3 loại hình nghệ thuật là mỹ thuật, nhiếp ảnh và múa chỉ chiếm 10%. Con số này rất thấp so với thế giới, nhất là đối với loại hình mỹ thuật không được quan tâm, xem trọng như trên thế giới.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), việc phát triển thị trường mỹ thuật trong nước gặp nhiều khó khăn, dù trong quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề cập việc thành lập một bảo tàng mỹ thuật đương đại ở Hà Nội và 5 bảo tàng mỹ thuật ở các thành phố lớn. Theo đề xuất của cục, một trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – là nhân tố quan trọng để hướng thị trường tranh phát triển chuyên nghiệp. Thế nhưng đơn vị này gần như không hoạt động được vì nhu cầu xã hội không đến với họ.

Nguồn SGGP

– See more at: http://www.sggp.org.vn/vhvnmythuat/2015/6/386677/#sthash.Xwea7QYL.dpuf