Thiên tai ở Nam bộ gây thiệt hại hơn 315 tỷ đồng
Ở vùng Đông Nam bộ thiên tai cũng ảnh hưởng tới 6 tỉnh, thành; trong đó có những trận mưa lớn gây ngập lụt ở Bình Phước và Đồng Nai; dông lốc xảy ra tới 38 trận, trong đó nhiều nhất là Tây Ninh 22 trận…
Thống kê cho thấy, thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2019 ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ đã làm 16 người chết và mất tích, 54 người bị thương; 2.210 căn nhà thiệt hại nặng, 15.603 căn nhà bị ngập nước; 21.355 ha lúa và 1.342 ha cây ăn trái bị thiệt hại; 117.675 con gia cầm bị chết và bị nước cuốn trôi; 80 tàu cá bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 315 tỷ đồng.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra ở Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre; chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng bản đồ phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL; tổ chức cắm biến cảnh báo, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ KH-CN cũng triển khai nghiên cứu một số đề tài phòng chống xói lở bờ biển ĐBSCL và ban hành 4 tiêu chuẩn về phòng chống xói lở bờ biển.
Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương 1.720 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2019 để xử lý sạt lở khẩn cấp; có văn bản gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ các địa phương xử lý sạt lở khẩn cấp 1.273 tỷ đồng từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.
Bộ KH-ĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 419 tỷ đồng cho 4 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ…
Hiện nay, nước lũ ở ĐBSCL đã giảm. Tuy nhiên, tình hình bão, mưa lớn, dông lốc, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển và các đợt triều cường cao vào những tháng cuối năm 2019 còn diễn biến phức tạp.
Vì vậy, Tổng Cục Phòng chống thiên tai lưu ý các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng nguy hiểm ven biển, ven sông, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là học sinh và trẻ em; chủ động các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp đề phòng mưa lớn, ngập lụt do triều cường xảy ra.
Các địa phương tăng cường quản lý khai thác cát sông, xây dựng nhà ở, công trình trên sông; nghiên cứu đề xuất mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở, bảo vệ đê biển.
Theo nhận định mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm vào đầu tháng 11- 2019; do lũ ở mức thấp nên tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 – 2020 có thể xảy ra nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương cần nhanh chóng triển khai nạo vét kênh rạch, thực hiện các biện pháp tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.