Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
(THTG) Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, ngày 20-12, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cùng các chư Tăng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã trọng thể tổ chức lễ an vị tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và đặt đá xây dựng “Quần thể không gian Thiền sư Việt”.
Hành trình cung rước và an vị Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được diễn ra từ ngày 06/12 đến ngày 20/12/2020, trãi dài gần 2.000 km, từ Đền Thái Tổ Thái Thượng hoàng Trần Thừa, tỉnh Nam Định, qua các địa phương trong cả nước, với nhiều nghi lễ và sự kiện, đến điểm cuối là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh lễ an vị tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông . Ảnh: Việt Bình
Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi lớn nhất từ trước đến nay, với chiều cao 2,2 mét, thể hiện hình ảnh Đức Vua Trần Nhân Tông cởi bỏ Hoàng bào bên suối quy Phật.
Đức Vua Trần Nhân Tông là vị Hoàng Đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, là nhà văn hóa xuất chúng, nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Ngài đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đậm bản sắc Việt. Giáo lý Phật Hoàng nổi bật tinh thần nhập thế “gắn đạo với đời” đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt; ngời sáng tâm thế lấy lợi ích dân tộc và chúng sinh làm căn bản, tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục.
Nghi lễ đặt đá xây dựng “Quần thể không gian Thiền sư Việt”. Ảnh: Việt Bình
Cũng trong dịp này, “Quần thể không gian Thiền sư Việt” tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng được xây dựng, góp phần tôn vinh lịch sử Thiền Việt qua hệ thống chân dung các vị thiền sư và 18 vị La Hán chùa Tây Phương…, cùng nhiều bia đá với những bài kệ của các Thiền sư Việt danh tiếng suốt hơn hai thiên niên kỷ qua…
Cùng với “Tứ động tâm” – 4 di sản Phật giáo đỉnh cao của thế giới – đã được phục dựng tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, việc tạo dựng “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” là điểm sáng, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa tâm linh Việt Nam.
Hữu Tâm
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.