Thiếu phụ Ngọc Khanh

Từ ngày 06./04/2010 vào lúc 16h10' Đài truyền hình Tiền Giang sẽ phát sóng bộ phim Thiếu Phụ Ngọc Khanh do Trung Quốc sản xuất dài 26 tập. Mời quí khán giả đón xem.

Bộ phim “Thiếu phụ Ngọc Khanh” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bạch Tiên Dũng, do đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng Hoàng Dĩ Công chỉ đạo diễn xuất; vai nữ chính do Tưởng Văn Lệ đảm nhận.

 
Nội dung chính

Câu chuyện xảy ra tại Quế Lâm vào năm 1939. Đơn Ngọc Khanh là một cô gái mới 25 tuổi, rất tốt bụng và hiền thục.

Một người bạn học của Liễu Kỳ Xương là Lân Tôn Nghĩa đi du học từ Mỹ trở về, đến nhà họ Liễu thăm bạn. Mẹ của Liễu Kỳ Xương đã nói dối là Kỳ Xương đang ốm, nhờ Tôn Nghĩa đến nhà họ Đơn cầu thân. Năm lần bảy lượt từ chối, nhưng sau đó do thương cảm vẻ khổ sở của bà Liễu, Tôn Nghĩa đã quyết định bất chấp đúng sai, giúp người bạn thân đến nhà họ Đơn để cầu hôn.

Bà Liễu lừa được Ngọc Khanh về làm dâu nhà họ Liễu. Nhưng sau đám cưới thì Kỳ Xương nhất định không động phòng với Ngọc Khanh, còn dùng đủ mọi cách để đuổi cô đi. Ngọc Khanh buồn rầu chịu đựng người chồng nghiện ngập. Sau đó qua bà mẹ chồng, Ngọc Khanh biết được Kỳ Xương vốn bản chất lương thiện, chỉ do mắc nghiện mà đánh mất chính mình, cô quyết tâm cai thuốc cho chồng.

Ngọc Khanh nghĩ đủ mọi cách để giúp Kỳ Xương cai nghiện, nhưng hầu như không có hiệu quả. Tuy nhiên tấm lòng của Ngọc Khanh đã cảm động được Kỳ Xương, làm cho anh ta dần dần có tình cảm với cô. Do hút quá nhiều thuốc, sức khoẻ của Kỳ Xương ngày một tệ, cuối cùng để trả tự do cho Ngọc Khanh, cũng là giải thoát cho chính mình, Kỳ Xương đã nhảy xuống núi tự vẫn.

Nhà họ Liễu tan nát. Bà Liễu lấy cớ Ngọc Khanh và Khánh Sinh có tư tình, đuổi hai người ra khỏi nhà, sau đó do quá tuyệt vọng, bà đã đốt nhà Liễu gia và nhảy vào đám lửa, để được đoàn tụ với con trai duy nhất của mình.

Ngọc Khanh đưa Khánh Sinh đang mang bệnh nặng đi cùng mình, rồi dần dần cũng nảy sinh tình cảm với anh ta. Để chữa trị cho Khánh Sinh, và để mưu sinh, thiếu phu nhân Ngọc Khanh ngày trước, đã đến nhà họ Lân để làm người hầu, từ đó mới có tên là “Thiếu phụ Ngọc Khanh”. Cũng từ đó nảy sinh nhiều chuyện rắc rối khác trong tình cảm của Ngọc Khanh và Khánh Sinh, do thiếu gia nhà họ Lân cảm mến Ngọc Khanh, làm cho Khánh Sinh nghi ngờ cô…
 

Chuyện bên lề

Bộ phim “Thiếu phụ Ngọc Khanh” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bạch Tiên Dũng, do đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng Hoàng Dĩ Công chỉ đạo diễn xuất; vai nữ chính do Tưởng Văn Lệ đảm nhận, ngoài ra còn có các diễn viên khác như Phạm Thực Vĩ, Phan Hồng, La Hải Quỳnh, Lưu Quân…

Tiểu thuyết “Thiếu phụ Ngọc Khanh” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bạch Tiên Dũng; tác phẩm có nhiều ảnh hưởng đối với cộng đồng người Hoa trên toàn cầu. Việc tác phẩm này được chuyển thể thành phim đã thu hút được sự chú ý của công chúng trong và ngoài Trung Quốc. Nhà văn Bạch Tiên Dũng cũng đã bỏ nhiều tâm huyết vào bộ phim truyền hình chuyển thể này, ông thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các nhà biên kịch chuyển thể như Trình Uý Đông, Kim Nhất Minh và nhóm biên kịch cùng tham gia, từ đó thống nhất các vấn đề như nắm rõ chủ đề tác phẩm, phương hướng chuyển thể kịch bản, tầng bậc của nhân vật, tình tiết câu chuyện … giữa kịch bản phim và tác phẩm văn học.

Bộ phim dựa trên cơ sở đảm bảo tính nguyên bản của tiểu thuyết về vận mệnh nhân vật, hướng đi của câu chuyện, phong cách ngôn ngữ, bối cảnh và không khí truyện, từ đó phát triển thời gian sinh tồn của nhân vật, thâm nhập vào khai thác các duyên cớ tạo nên tính cách và hình thành vận mệnh của nhân vật. Đồng thời cũng trên cơ sở đó để tạo thêm tình tiết phong phú cho câu chuyện.

“Thiếu phụ Ngọc Khanh” là một tác phẩm bi tráng tập trung vào khai thác tính cách người phụ nữ. Phim đã xây dựng nên nhân vật Thiếu phụ Ngọc Khanh là một hình tượng bi kịch trong thời loạn lạc, mở đầu bằng việc cho cô theo đuổi cuộc hôn nhân hoàn hảo, để cho cô và người yêu phải chia tay nhau, mới tạo ra tâm tư của con người. Tưởng Văn Lệ đóng thiếu phụ Ngọc Khanh trong phim cũng là một bước tiến mới của Tưởng Văn Lệ sau bộ phim “Ly hôn kiểu Trung Quốc”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Tưởng Văn Lệ đã bày tỏ, nhân vật thiếu phụ Ngọc Khanh đã làm cô cảm động, cô kỳ vọng vào sự sáng tạo và sẽ thể hiện tính cách nhân vật một cách hết mình.
 

Vài điều về Tưởng Văn Lệ

Từ vai diễn Lâm Tiểu Phong trong “Ly hôn kiểu Trung Quốc” đến Đàn Ngải Lâm trong “Rất muốn được yêu”, Tưởng Văn Lệ đều để lại trong lòng khán giả những ấn tượng sâu sắc. Trong bộ phim truyền hình “Thiếu phụ Ngọc Khanh”, Tưởng Văn Lệ lại đem đến cho công chúng những hình ảnh mới khi thể hiện nhân vật của tác giả lớn Bạch Tiên Dũng. Trong một buổi phỏng vấn, cô đã tâm sự một phần nào những tâm tư của mình trong khi thể hiện vai Ngọc Khanh.

Diễn vai Ngọc Khanh quả thực rất mệt mỏi và nhiều áp lực. Tác giả Bạch Tiên Dũng là một tác giả lớn từ những năm 1960, nên bộ phim rất thu hút được sự quan tâm của khán giả, lại đã nhiều lần được chuyển thể thành phim, phim truyền hình, nghệ thuật múa và cả kịch nói. Về điều hấp dẫn nhất ở vai diễn này đối với mình, Văn Lệ tâm sự: “Lần đầu tiên tôi xem “Thiếu phụ Ngọc Khanh” là khi còn học ở Học viện điện ảnh, khi đó xem Dương Huệ San đóng vai Ngọc Khanh tôi rất mê. Sau đó cầm kịch bản trong tay, đọc đi đọc lại, thấy rằng Ngọc Khanh trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà vẫn dũng cảm theo đuổi hạnh phúc của mình, có gì đó giống như chỉ có trong tranh hay trong thơ ca.”

Khi được hỏi về việc tại sao tác giả Bạch Tiên Dũng chọn cô đóng vai Ngọc Khanh, Tưởng Văn Lệ nói: “Tôi cũng không biết tại sao, có thể do ông ấy thấy ngoại hình của tôi phù hợp với tưởng tượng về nhân vật của ông, tôi trông khá phúc hậu.”

Thiếu phụ Ngọc Khanh trong phim dám yêu, dám hận, nhưng cuối cùng lại chọn một giải pháp cực đoan. Khi được hỏi với một vai diễn như vậy, liệu có cảm thấy dễ chịu được hay không, Văn Lệ đã nói: “Không hề dễ chịu chút nào, rất mệt mỏi, tôi luôn cảm thấy toàn thân rã rời.  Có một cảnh Ngọc Khanh và Khánh Sinh xem kịch, cho thấy là Ngọc Khanh đã biết Khánh Sinh rất thích người diễn viên kịch, nhưng vẫn muốn giữ anh lại. Cảnh đó khi tôi đang đến đoạn đối thoại, chợt cảm thấy bị ức chế không chịu nổi, sau đó tôi đã khóc không đừng được ở cảnh đó.”