Thiếu trầm trọng vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật

Với nhiều loại vaccine được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), đến nay, Việt Nam đã phòng ngừa được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não…

Tuy nhiên, thời gian qua, do những thay đổi chính sách và vướng mắc cơ chế đấu thầu, mua sắm nên một số loại vaccine chưa được cung ứng.

Thiếu trầm trọng vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật ảnh 1

Hết một số vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phụ huynh đưa con đến tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh

Lỡ cơ hội phòng bệnh cho trẻ

Mới đây, anh Nguyễn Quốc Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đưa con đến Trạm y tế phường Bình Chiểu để tiêm vaccine “5 trong 1” (ngừa 5 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan siêu vi B – viêm màng não mủ do Hib) trong chương trình TCMR. Tuy nhiên, anh Ngọc được nhân viên y tế thông báo đã hết vaccine “5 trong 1” và khuyên nếu có điều kiện thì nên tiêm ngừa đúng lịch cho con bằng vaccine dịch vụ (vaccine “6 trong 1” Infanrix hexa) với giá hơn 1 triệu đồng/mũi. Kinh tế khó khăn, cùng với đồng lương hạn hẹp của 2 vợ chồng phải chật vật trang trải cuộc sống nên anh Ngọc đành phải đưa con về.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ, Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu, thông tin, đã 5 tháng qua, trạm không còn vaccine “5 trong 1” miễn phí để tiêm cho trẻ. Từ cuối tháng 4-2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết. Trạm y tế đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. “Những trường hợp gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vaccine OPV (phòng bại liệt) trước để phòng ngừa. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi tiêm thì sẽ tiến hành tiêm, bởi các mũi tiêm chỉ cách nhau khoảng một tháng, đồng thời cũng tiêm các mũi khác theo phác đồ”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết.

Theo chương trình TCMR quốc gia, tình trạng thiếu một số loại vaccine bắt đầu từ giữa năm 2022 và kéo dài tới nay khiến nhiều trẻ nhỏ không được tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thống kê năm 2022 cho thấy, chỉ có 3/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi; tỷ lệ tiêm chủng chung toàn khu vực chỉ đạt 79,5% do thiếu vaccine TCMR. Cùng với đó, tình trạng thiếu vaccine cũng diễn ra tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Cần Thơ, An Giang…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia, cho biết, trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề. “Vaccine “5 trong 1” thuộc chương trình TCMR có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu – uốn ván – ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phải tìm cách nhanh chóng tháo gỡ thiếu vaccine trong chương trình TCMR, nếu không thì nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan và gia tăng gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.

Tại cuộc họp diễn ra vào cuối tuần qua để giải quyết tình trạng vaccine TCMR đang thiếu trầm trọng hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, tìm phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán về giá. Các địa phương căn cứ vào đó để mua sắm, chấm dứt tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24-6.

Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại

Trước tình trạng thiếu nhiều loại vaccine TCMR khiến trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo, thời gian tới nguy cơ có thể xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Không chỉ vậy, một số dịch bệnh mà chúng ta đã khống chế được như bại liệt, ho gà, sởi, rubella, bạch hầu… có thể bùng phát trở lại, khiến thành quả của chương trình TCMR mà ngành y tế cùng các địa phương đã nỗ lực đạt được hơn 40 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Thiếu trầm trọng vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật ảnh 2

Phụ huynh đưa con đến một cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại TPHCM để tiêm phòng bệnh.Ảnh: PHONG LAN

Theo bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em cần được tiêm đầy đủ vaccine phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản, như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy do Rota virus, viêm não Nhật Bản, viêm phổi… “Để phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vaccine là biện pháp tối ưu nhất. Trong trường hợp vaccine TCMR đang thiếu thì các gia đình cần quan tâm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, cho trẻ đeo khẩu trang khi tới nơi đông người. Cùng với đó, các gia đình có điều kiện nên đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine dịch vụ tương đương với những vaccine TCMR đang bị thiếu”, bác sĩ Lê Kiến Ngãi thông tin.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, trong trường hợp “bất khả kháng” do hết vaccine TCMR, phụ huynh cần cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có được một nền sức khỏe tốt; hệ thống miễn dịch khỏe thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp và nếu có mắc, việc điều trị cũng dễ dàng hơn. “Hiện bệnh cúm xuất hiện rải rác, vì thế khi gia đình có người bị bệnh thì cần cách ly tương đối em bé ra khỏi môi trường có thể lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng cũng đang rất nguy hiểm, lây qua đường tiếp xúc nên các gia đình cần vệ sinh thân thể cho bé và cả môi trường sống”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Nguồn SGGP