Thông điệp đắt giá về gia đình trong phim kinh dị “Bóng đè”
Không chỉ là một tác phẩm hù dọa đơn thuần, “Bóng đè” có một ý tưởng táo bạo và ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa về gia đình.
Là một trong những phim kinh dị được trông đợi nhất nửa đầu năm nay, “Bóng đè” gây ấn tượng với khán giả nhờ vào bầu không khí tâm linh, u ám cùng những màn hù dọa sáng tạo. Bối cảnh căn nhà cổ với những cánh cửa cọt kẹt đến rợn người, những bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm, những cú jumpscare (hù dọa) kèm âm thanh ma mị làm thót tim khán giả… tất cả đã tạo nên một sức hút đáng ghi nhận dành cho “Bóng đè”. Tuy nhiên, đằng sau cái mác “kinh dị”, “Bóng đè” vẫn còn nhiều tâm tư mà đạo diễn muốn gửi gắm qua phim.
“Bóng đè” xoay quanh câu chuyện gia đình của ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi). Về lại căn nhà cổ của ông bà để sinh sống sau một biến cố lớn, họ kỳ vọng những ngày tiếp theo sẽ trở nên yên bình, dễ dàng hơn với ba người. Thế nhưng, đây mới chỉ là điểm bắt đầu cho cơn ác mộng kinh hoàng dày vò họ sau đó.
Mỗi nhân vật trong “Bóng đè” đều mang nỗi đau của riêng mình. Sau biến cố của gia đình, cô bé Yến dù bên ngoài vẫn tỏ vẻ lí lắc, hồn nhiên nhưng lại là người gánh chịu nổi đau tinh thần sâu sắc và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Về phần Thành, một người đàn ông yêu vợ hết mực lại phải chứng kiến sự ra đi của vợ một cách bất lực, anh đã mang nỗi ám ảnh đó suốt một thời gian dài. Và còn Linh, khi cả cha và em gái mình đều trở nên yếu lòng, cô gái bé nhỏ lại gồng mình lên để chăm sóc cả hai, giúp những người mình yêu thương vượt qua nỗi đau mà chính bản thân em cũng phải chịu đựng.
Cả ba thành viên đều có những tổn thương tâm lí của riêng mình, nhưng thứ gắn kết họ lại với nhau chính là hai chữ “gia đình”. Tình cảm thiêng liêng ấy là nguồn sức mạnh lớn nhất giúp họ kiên cường tìm cách thoát khỏi những ám ảnh không lối thoát.
Là một đạo diễn tâm huyết với việc khai thác các khía cạnh về những mối quan hệ trong gia đình, Lê Văn Kiệt không bỏ qua những yếu tố này khi thực hiện “Bóng đè”. Quang Tuấn vào vai người cha hết mực yêu thương hai cô con gái, sẵn sàng làm mọi thứ để con vui như cải tạo, trang trí hai căn phòng mới cho hai cô “công chúa nhỏ”. Phân đoạn ba cha con nằm trên giường, góc máy quay trực diện từ trên xuống như lột tả được tình cảm đầm ấm của gia đình nhỏ dù thiếu vắng đi người mẹ. Và khi hai cha con Thành – Linh cùng nhau hát karaoke, khán giả có thể cảm thấy anh đang nỗ lực thế nào để hòa nhập được với thế giới của con gái.
Quang Tuấn vào vai người cha hết mực yêu thương hai cô con gái
Không chỉ tình cha – con, “Bóng đè” còn thể hiện khá rõ nét tình cảm của hai chị em gái. Là người chị sẵn sàng bảo vệ, hi sinh cho em, “có gì thì em cứ chạy trước, mọi thứ để chị lo”, Linh luôn nhường nhịn những gì tốt đẹp nhất cho em. Cô bé luôn lo lắng, che chở cho Yến khi người em gái nhỏ bị mắc chứng mộng du. Và lúc bí mật được hé lộ, Linh cũng không nề hà khó khăn đi tìm kiếm và “giải cứu” em gái mình. Có thể nói, những phân đoạn vui vẻ, đối đáp qua lại giữa hai chị em Linh – Yến đã được hai diễn viên nhí Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi thể hiện cực kì xuất sắc. Tương tác giữa cả hai cũng là một điểm sáng của phim, giống như những cặp chị em gái ngoài đời thật.
Không chỉ là một tác phẩm hù dọa đơn thuần, “Bóng đè” có một ý tưởng táo bạo và ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa về gia đình. Không chỉ thể hiện sự thấu hiểu văn hóa Việt Nam thông qua bối cảnh, cách bài trí, đạo diễn Lê Văn Kiệt còn cho thấy anh có cái nhìn sâu sắc thế nào về mối quan hệ gia đình phản ánh đậm nét lối sống, nếp nghĩ người Việt.
Nguồn: vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.