Thủ Khoa Huân – Dấu ấn thời kháng Pháp cận cuối thế kỷ 19

Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường cũ, nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Con của ông Nguyễn Hữu Cầm, tục gọi là ông Cả Cầm, một phú nông ở làng Tịnh Hà. Năm Nhâm Tý (1852) đời vua Tự Ðức, ông dự thi Hương tại Gia Ðịnh và đậu Thủ khoa nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Sau khi thi đỗ, được triều đình bổ chức Giáo thọ (Ðốc học) huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường. Ông có nhiều học trò khắp vùng Long An- Ðịnh Tường…

 

thukhoahuan.jpg

Ðền thờ Thủ Khoa Huân.

Thủ Khoa Huân là nhà giáo, một nhân sĩ trí thức có tiếng tăm của phong trào kháng Pháp ở Nam bộ trong những thập kỷ đầu chống Pháp, ở thời kỳ trước phong trào Cần Vương (1885-1896). Bởi vậy, cuộc khởi nghĩa do Thủ Khoa Huân lãnh đạo đã có ảnh hưởng sâu rộng, nhất là đối với sĩ phu Nam Kỳ. Giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường viết thư khuyên ông hạ vũ khí “bãi binh” để về cộng tác với chánh phủ “Tân Trào”, ông viết thư mắng Tường là “đứa vô quân, vô phụ”, và kiên quyết không chịu đầu hàng.

Thực dân Pháp lo sợ, hốt hoảng trước thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ. Chúng tìm mọi cách để đối phó. Ðầu năm 1875, chúng điều tên tay sai là đốc phủ sứ Trần Bá Lộc tiến hành càn quét và vây đánh quân khởi nghĩa. Trong một trận giao chiến ác liệt với giặc tại Bình Cách (Chợ Gạo), nghĩa quân bị thiệt hại nặng, Thủ Khoa Huân cùng với người tùy tùng là Ðốc binh Hương rút về Chợ Gạo, nhưng tên Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc, hắn đã phản bội, dẫn giặc tới Chợ Gạo bắt Nguyễn Hữu Huân vào ngày 15 tháng 5 năm 1875. Trong 4 ngày giam tại khám Mỹ Tho, giặc Pháp đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng mua chuộc, lung lạc, dụ hàng Thủ Khoa Huân, nhưng bọn chúng đã thất bại trước tinh thần, ý chí sắt đá của ông. Giặc Pháp đã khép ông vào án tử hình. Ngày 15 tháng 4 (âm lịch) năm Ất Hợi, tức ngày 19 tháng 5 năm 1875, tại Ngã tư Giáp Nước (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo ngày nay), giặc Pháp đã xử trảm người con ưu tú tỉnh Ðịnh Tường là Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào nghĩa quân kháng Pháp ở nước ta, hồi nửa sau thế kỷ XIX.
5
Khi đến nơi hành quyết, ông đọc câu đối tuyệt mệnh trước lúc đao phủ khai đao:
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị.
Duy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân
Tạm dịch:
Có chí khó giương ra, luống để trăm năm mang miệng thế.
Dầu công không đạt, cũng liều một chết báo ơn Vua.
Lúc hy sinh ông mới 45 tuổi. Là một nhà giáo, nhà thơ yêu nước, ông đã để lại cho các thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị, thơ ông mang quan điểm tích cực, đó là lẽ sống “ái quốc thân dân” (yêu nước thương dân).
Có một vài truyền thuyết, huyền thoại dân gian kể lại về thời khắc hy sinh oanh liệt của Thủ Khoa Huân còn lưu truyền đến ngày nay: Trước khi xử chém, bọn giặc bưng tới một mâm cơm đầy rượu thịt cho ông ăn. Ông lạnh lùng đá đổ mâm cơm. Kẻ được giao chém đầu ông vốn là dân bản địa. Lệnh chém ban ra, nhưng đao phủ lộ vẻ sợ hãi, chần chờ, không dám ra đao. Ông nhìn hắn và nói: “Nhà ngươi có bổn phận, cứ việc thi hành, đừng để liên lụy đến mình!”. Nghe vậy, đao phủ mới dám vung đao. Vừa chém xong, hắn liền quỳ sụp xuống, lạy ông bốn lạy. Sau khi hành quyết ông, bọn giặc cho gia đình ông nhận phần thân về, còn đầu thì bêu tại chỗ, sau ba ngày mới được đem về an táng. Nhưng tới xế giờ chiều, một người con gái của ông mặc áo dài, đến chỗ hành quyết để thăm chừng đầu cha. Một tên Pháp đã lấy đầu ông, trả cho cô. Cô con gái vội dùng hai tay nâng vạt áo dài, hứng đầu cha mình và đưa về nhà. Nhờ vậy, gia đình đã an táng được đầy đủ thân thể ông. Một truyền thuyết khác kể, sau khi an táng Thủ Khoa Huân, người dân Mỹ Tịnh An xây đền thờ đối mặt với đồn Cây Da của giặc, như muốn thể hiện thái độ bất khuất của mình. Bất ngờ, trận bão năm Thìn (1904) từ Gò Công kéo đến xô ngã cây Da. Người dân ở đây giải thích đó là “binh tướng của Trương Định hiệp cùng nghĩa quân của Thủ Khoa Huân theo ngọn bão mà đánh sập đồn Tây”.
* * *
Từ quốc lộ 1A, chỗ Ngã ba Hòa Tịnh, thuộc địa phận xã Tân Lý Tây của huyện Châu Thành (Tiền Giang), theo đường vào trụ sở xã Hòa Tịnh, đi tiếp chừng 400 mét đến lăng mộ Thủ Khoa Huân. Mộ ông tọa lạc trên một gò nhỏ thuộc làng Tịnh Hà, nay thuộc ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ban đầu, mộ bằng đất, sau được thay bằng đá xanh. Hai người con gái của ông đã thuê thợ đá khắc bài thơ và câu đối tuyệt mạng lên bia mộ, hiện vẫn còn. Lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1927, con cháu ông và người dân địa phương xây dựng lại bằng đá xanh gồm hai phần: núm mộ và bia mộ. Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu “voi phục” vì trông giống con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Phần nền đá của ngôi mộ rộng 4m2. Phần núm mộ gồm 2 phiến đá lớn ghép lại, hình mai rùa nhô cao, trên có chạm hoa văn xoáy trôn ốc. Phần cuối là bia mộ, gồm 3 phiến đá: chân bia có chạm hoa văn dây lá, thân bia rộng 1 mét, cao 0,72 mét, dày 0,40 mét, có khắc một bài thơ (Hãn mã…) đôi câu đối tuyệt mạng và một số chữ Hán bị mờ nhạt chưa rõ nội dung.
Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm, ngang 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, ngang 38cm. Tại đây, hằng ngày có người trông nom, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan. Hằng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ giỗ ông vào trung tuần tháng 4 âm lịch. Tưởng nhớ ông, Ủy  ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng một tượng đài lớn trong công viên Lạc Hồng cạnh sông Tiền, ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho. Vào năm 1995, kỷ niệm 120 năm ngày Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh (1875_1995), tỉnh Tiền Giang đã cho khánh thành đền thờ Nguyễn Hữu Huân. Ðền thờ chỉ cách mộ khoảng 10 mét, trên khu đất cao ráo rộng rãi rộng gần 1ha. Mộ được nâng cấp, Tổng quan khu di tích có phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Cổng tam quan có mái lợp ngói vẩy cá, trên nóc có “lưỡng long tranh châu”. Hàng rào bao bọc có trụ bê-tông và song sắt kiên cố. Đền thờ chánh kiến trúc theo “mô-típ” đình chùa Việt Nam cổ điển, mái ngói hai tầng, lợp chồng khít, cột tròn theo kiểu “nhà trính”, phân thành nhiều gian, buồng theo chiều sâu. Chính điện có bài vị, bên hông cạnh có bảng tiểu sử, thân thế sự nghiệp của người anh hùng. Hai bên trụ cổng có đắp nổi những câu trong bài thơ “Mang gông”:
Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường há phải gông!
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Nghênh ngang một cổ trượng phu lòng.
Thác về đất bắc danh còn rạng,
Sống ở thành nam tiếng bỏ không.
Năm1987, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định số 112/VHQÐ , công nhận mộ Thủ Khoa Huân là di tích Quốc gia.Hàng năm, lễ giỗ anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà giáo chống Pháp Nguyễn Hữu Huân được tổ chức rất trang trọng vào hai ngày 14 và 15 tháng 4 âm lịch, có rất nhiều khách các nơi và nhân dân đến dâng hương tưởng niệm.
Nguồn Báo Cần Thơ