Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển nguồn học liệu điện tử – Ảnh minh họa
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã quyết liệt tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… và đã đạt nhiều kết quả tích cực trong dạy và học.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.
Triển khai dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương
Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Đồng thời, xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này. Quan tâm sâu sát, cụ thể đến điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người” thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.
Phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến; chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến.
Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Xây dựng phương án cụ thể tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường truyền thông, tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh đào tạo trực tuyến ở những ngành nghề phù hợp.
Tổ chức triển khai việc hỗ trợ giáo viên, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định.
Ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học trực tuyến
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải có kế hoạch khống chế dịch cụ thể, nhanh nhất, sớm nhất để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 hiệu quả.
Địa phương không có dịch COVID-19, chủ động phương án cho học sinh tựu trường và thường xuyên sàng lọc, tầm soát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19; kiểm tra, việc chấp hành các quy định phòng chống dịch phù hợp tại cơ sở giáo dục, đào tạo, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tạo điều kiện tiêm vaccine cho lưu học sinh diện Hiệp định đang học tập ở các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.
Địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Trước mắt, tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội.
Khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.
Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi địa bàn sinh sống do tác động của dịch COVID-19; nghiên cứu tăng cường số lượng, chất lượng hệ thống trường bán trú dân nuôi để duy trì, phát triển mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương.
Nguồn: Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.