Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cung cấp các khoản ODA thế hệ mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tối đa, đủ lớn, linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và với thủ tục đơn giản nhất, tập trung vào 6 lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ngài Kitaoka Shinichi. Ảnh: VGP
Tại buổi tiếp, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, thực chất trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA trong gần 30 năm qua; ghi nhận và đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Tổ chức JICA trong việc triển khai các dự án ODA tại Việt Nam cũng như nhanh chóng triển khai hơn 4 triệu liều vắc-xin và nhiều thiết bị vật tư y tế do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao triển vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản và cho rằng hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế. Chia sẻ về một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần lượng vốn rất lớn để phát triển hạ tầng chiến lược và tiếp tục xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng về ODA.
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tối đa, đủ lớn, linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và với thủ tục đơn giản nhất, tập trung vào 6 lĩnh vực: Nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng; giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và miền núi phía bắc; chuyển đổi số; phát triển bền vững; một phần cho an sinh xã hội liên quan đến tác động tiêu cực của dịch Covid-19; và phát triển hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA, tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia JICA sang công tác tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ngài Kitaoka Shinichi. Ảnh: VGP
Chủ tịch Kitaoka Shinichi đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA của Việt Nam và cho biết sẽ lấy mô hình thành công trong việc hỗ trợ xây dựng các bệnh viện lớn ở Việt Nam trong nhiều năm qua để JICA triển khai xây dựng 100 bệnh viện ở các nước khác. Chủ tịch Kitaoka Shinichi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế, tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực.
Nhật Bản là nước tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. JICA đã hợp tác với Việt Nam từ năm 1992 và hỗ trợ tài chính hơn 3.000 tỉ yên (tương đương 600.000 tỉ đồng), phái cử khoảng 15.000 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam công tác và đào tạo 27.000 nhân sự Việt Nam để góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị nhà nước hiệu quả, thông qua các dự án đa dạng.
Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, các dự án của JICA đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó phải kể đến việc hoàn thành hơn 3.000 km đường bộ, 250 cây cầu, 5 cảng quốc tế và 10 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 4.500 MW. Điều này đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững ở Việt Nam cũng như tăng cường sự gắn kết và phát triển trong toàn khối ASEAN.
Từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, phía JICA đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế để tăng cường các biện pháp phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tại các bệnh viện thông qua các hoạt động đào tạo liên tục, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hoạt động hợp tác đã được triển khai tại các bệnh viện Trung ương như Bạch Mai, Huế, Chợ Rẫy, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Viện Pasteur TP HCM…
JICA cũng đã tiến hành đào tạo cho khoảng 100.000 cán bộ y tế, góp phần giúp Việt Nam duy trì chương trình Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) kể từ năm 1975.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, JICA cũng đã hỗ trợ Việt Nam thông qua cung cấp thiết bị xét nghiệm PCR, cơ sở vật chất phục vụ xét nghiệm các loại bệnh mới và hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO trên khắp Việt Nam để hỗ trợ khẩn cấp, giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch Covid-19. Khoản hỗ trợ này trị giá khoảng 600 triệu yên (tương đương 120 tỉ đồng).
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.