Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới

Sáng nay (8/12), Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế… tham dự Hội nghị.

Những kết quả nổi bật

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân tham gia xây dựng NTM.

Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TPHCM), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.

Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tế chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình trong 5 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra, như: Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trình bày Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể.

Có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.

Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân.

Phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM

Mục tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn 2016-2020 là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Để cụ thể hóa được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Cùng với đó là tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn; huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình…

Nguồn Chính phủ