Thủ tướng làm việc với các tỉnh ĐBSCL về chống sạt lở

Ngày 09/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sạt lở đất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần giữ đất, giữ người, tinh thần thuận thiên trong xử lý vấn đề, không để “mất bò mới lo làm chuồng”, “không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (bờ sông 26 vị trí, tổng chiều dài 65km; bờ biển 16 vị trí, tổng chiều dài 84km) cần phải xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổng số kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỷ đồng.

aNHAT9498
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương kiến nghị hỗ trợ kinh phí để các địa phương tập trung xử lý tại những vị trí sạt lở trọng điểm cấp bách đảm bảo ổn định trước mắt và lâu dài.

Bộ NN&PNT đề xuất xây dựng Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở cấp bách bảo vệ bờ sông, bờ biển ĐBSCL” để có giải pháp căn cơ, tổng thể đảm bảo an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng trong khu vực ven sông, kênh rạch đồng thời hạn chế xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ 300ha/năm.

Khẳng định ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng, với trên 20 triệu dân sinh sống, Thủ tướng cho rằng, đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu.

aNHAT9518

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh, việc tập trung các nguồn lực để xử lý một bước tình hình biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là điều hết sức cần thiết, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cho ý kiến về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, đã bố trí kế hoạch vốn trung hạn, để xử lý trước hết 17/42 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Còn lại 25 điểm đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ theo cơ chế phòng chống thiên tai, tức là làm cấp bách.

Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, tinh thần thuận thiên trong xử lý vấn đề, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, “không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết”. Không để tiếp tục sạt lở ở những điểm nghiêm trọng.

sat lo

Tình trạng sạt lở đất ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh xử lý kè, đặc biệt là đê mềm tại các điểm sạt lở,  các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát sỏi các dòng sông, không quy hoạch, cấp phép quá mức.

Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt và đồng thời nghiên cứu làm phong điện.

Phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô.

Thủ tướng quyết định bố trí bổ sung một khoản từ dự phòng ngân sách hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL làm các công trình cấp bách, quan trọng cũng như bố trí một khoản từ nguồn ODA để lập quỹ chống biến đổi khí hậu ĐBSCL. Bên cạnh đó, tìm các nguồn lực khác bổ sung vào quỹ này.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì rà soát, đề xuất hỗ trợ cụ thể, chính xác cho từng địa phương để gửi các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến. Bộ Tài chính chủ trì việc tổng hợp, đề xuất hỗ trợ kinh phí này để trình Thủ tướng xem xét, quyết định trước 15/5.

Vai trò chủ đầu tư được giao cho địa phương, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng với tinh thần làm sao không để thất thoát, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra.

Thủ tướng nêu rõ, khi triển khai, phải tiến hành nghiên cứu cơ bản chứ không phải làm công trình đó rồi để chơ vơ giữa sông, giữa biển. Phải có biện pháp tổng hợp chứ không phải chỉ có kè cứng là duy nhất. Bên cạnh đó, cần tiến hành xã hội hóa nguồn lực, nhất là làm đê mềm để mở rộng đất đai, mặt nước, ngăn mặn, chống sạt lở kết hợp phát triển kinh tế.

Phải nghiên cứu căn bản việc phân lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, phải rõ hơn, không để lưu lượng quá lớn kéo xuống sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời nghiên cứu gấp đập Tha La  – Trà Sư ở An Giang mà vừa qua các nhà khoa học đề xuất.

Nguồn VGP