Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiên trì đấu tranh quyết liệt bảo vệ chủ quyền quốc gia
Tập trung đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng không để ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.
Ngày 29/5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội cũng như thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình biển Đông; chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các thành viên Chính phủ nhất trí với đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và tính chung 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là các chỉ số đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như: chỉ số tiêu dùng tháng 5 tăng 0,2%, thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây; xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng cao, đạt trên 58 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách, tổng phương tiện thanh toán, tín dụng đối với nền kinh tế đều tăng cao; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ…
Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn ở mức khá cao. Nổi lên tại một số địa phương xuất hiện biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam nhưng một số người đã bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gây mất an ninh trật tự, thiệt hại sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh…đã chỉ đạo, ngăn chặn kịp thời và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của các Bộ trưởng: Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. Các dự án điện, gang thép lớn… do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC hay nhà đầu tư vẫn diễn ra bình thường. Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (khoảng 40 tỷ USD/ 133 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu) nên các doanh nghiệp nhập khẩu lớn, các doanh nghiệp có liên quan đến thiết bị, nhà thầu và lao động của Trung Quốc đã tính toán chủ động các phương án đảm bảo duy trì sản xuất, xuất khẩu và tiến độ dự án trong mọi tình huống. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, thị trường chứng khoán đã hồi phục, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết mua, bán ổn định và thấp hơn nhiều so với mức biên độ trần…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm kiên trì đấu tranh quyết liệt bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình thông qua nhiều hình thức khác nhau, với tinh thần kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời duy trì quan hệ chính trị, kinh tế, bình thường với Trung Quốc vì đây là điều tất yếu, khách quan và cũng là lợi ích đan xen của cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, cả thế giới này là một nền kinh tế, một thị trường, Trung Quốc cũng là thành viên WTO, chúng ta cũng là thành viên WTO; Trung Quốc với Việt Nam có Hiệp định chung là Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chúng ta là láng giềng… Trong bối cảnh như thế thì việc hợp tác giữa nước ta với Trung Quốc về kinh tế, thương mại là tất yếu, là khách quan, là bình thường. Đây là quan hệ hai bên cùng có lợi, quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Trong tình hình đó, chúng ta tiếp tục giữ bình thường để cùng có lợi, cùng phát triển nhưng đồng thời trước biến động này, thì các Bộ liên quan mà chủ yếu là công nghiệp, thương mại, thứ hai là nông nghiệp và thứ ba là du lịch thì chúng ta phải chuẩn bị các phương án để ứng phó với những bất lợi. Thí dụ như bây giờ như du lịch, xuất khẩu, tổng thầu, đầu tư… trong điều kiện này chúng ta không bế tắc, giảm chỗ này thì tăng chỗ kia, không có chỗ này thì thay thế chỗ khác thế nào, các đồng chí làm hết phương án đi để rồi khi có diễn biến không thuận thì chúng ta không bị động…”.
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ huy tại chỗ đã không ngăn chặn kịp thời một số người bị kích động đã có các hành vi manh động, đập phá tài sản của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu dứt khoát không để lặp lại những vụ việc tương tự. Cùng với tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, Thủ tướng nhấn mạnh đến tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để dư luận quốc tế hiểu rõ hơn chính nghĩa của Việt Nam và sai trái của Trung Quốc, tạo sự đồng thuận cả trong nước và quốc tế trong giải quyết vấn đề biển Đông.
“Tập trung đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng không để ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu từng bộ, từng ngành và các địa phương tập trung sức thực hiện đồng bộ các biện pháp, cân đối hợp lý các lĩnh vực nhằm thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra ngay từ đầu năm nay. Trước hết là tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cụ thể cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tập trung tăng tổng cầu kinh tế thông qua giải ngân kịp thời các nguồn vốn đầu tư công.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xử lý nợ xấu gắn với tăng nhanh dư nợ tín dụng hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu; kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ và chứng khoán. Các bộ, ngành và địa phương trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung đa dạng các thị trường: xuất-nhập khẩu, du lịch, đầu tư và lao động…Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cũng như quan tâm công tác xây dựng luật, pháp lệnh…
Trên tinh thần hỗ trợ tối đa ngư dân ra khơi bám biển an toàn và hiệu quả, các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến mang tính nguyên tắc xây dựng Nghị định của Chính phủ về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 theo tinh thần tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng các hạ tầng thiết yếu như: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản tập trung, đầu tư trạm bờ, trang thiết bị đầu cuối trên các tàu cá xa bờ… Đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi cả về lãi suất, ân hạn để đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với chất liệu vỏ thép hoặc vật liệu mới nhằm hiện đại hóa đội tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần. Nghị định của Chính phủ cũng hướng tới mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng chính sách bảo hiểm nhằm khuyến khích, giảm rủi ro cho ngư dân tham gia đánh bắt cá xa bờ, góp phần tăng cường sự hiện diện dân sự trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam….
Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
Thành Chung/vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.