Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải có phương án tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 5-11 yêu cầu Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức hội nghị tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.
“Phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục và từ tổng kết thực tiễn” – Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục-đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015, sáng 5-11.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với yêu cầu đặt ra thì phải ra sức khắc phục, ra sức sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Dự phiên họp lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực.
Phiên họp tập trung đánh giá, thảo luận 5 nội dung chính, gồm: Tình hình triển khai và kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân; các hoạt động về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015; khung trình độ quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đối với việc đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và chương trình đào tạo, Bộ đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành tạo cơ sở đề xuất chỉnh sửa chương trình; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đối với các khóa học sinh đang học chương trình hiện hành.
Đối với việc triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ đã hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đăng tải công khai để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân; dự thảo các môn học; biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy các môn học theo chương trình mới.
Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do Bộ ban hành. Bộ tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa; biên soạn sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người đã có chữ viết đối với một số môn học ở cấp tiểu học); biên soạn và thực nghiệm sách giáo khoa điện tử. Các tài liệu này phải được thẩm định tại Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 sẽ được Bộ GD-ĐT thực hiện trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông năm 2015; rà soát,điều chỉnh, bổ sung ban hành kịp thời quy chế thi, các văn bản chỉ đạo và tuyển sinh; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh.
Đề cập đến hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là hai nội dung có sự gắn bó chặt chẽ với nhau.
Bộ GD-ĐT cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành tại cuộc họp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội hoàn thiện báo cáo về hệ thống giáo dục quốc dân cũng như về khung trình độ quốc gia.
Về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước hết phải xây dựng, xác định được chương trình, sau đó mới có sách giáo khoa. Đây là hai yếu tố không thể tách rời mà phải luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả công tác đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp, sát thực tế, theo đúng tinh thần và chủ trương của Trung ương về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.