Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar và dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 4
Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong lần thứ 4 (GMS 4) từ ngày 19-21/12. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong lần thứ 4 (GMS 4) từ ngày 19-21/12
Tháp tùng Thủ tướng NguyễnTấn Dũng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế…
Tăng cường hợp tác
Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi được bầu lại giữ chức Thủ tướng Chính phủ và là chuyến thăm Myanmar lần thứ 3 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ năm 2007.
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục trên đà phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar trong năm 2011 ước đạt 180 triệu USD, tăng 18,4% so với năm 2010, trong đó Việt Nam nhập khẩu 90 triệu USD hàng hóa từ Myanmar.
Trong năm 2011, hai bên đã tổ chức thành công Hội chợ hàng Myanmar tại Việt Nam (1/2011) và Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar (11/2011).
Về các cơ chế hợp tác, hai bên đã thiết lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật và tham khảo chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao của hai nước.
Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Myanmar đã họp được 7 kỳ. Tại kỳ họp gần đây nhất (tháng 11/2011), hai bên đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Tham khảo chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao đã tiến hành được 6 kỳ. Tại các kỳ họp, hai bên thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; trao đổi ý kiến về những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao.
Hai bên còn hợp tác tốt trong khuôn khổ ASEAN, một số tổ chức quốc tế và khu vực như Tiểu vùng Mekong (GMS), Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông Ayayewady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Hội nghị cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào-Myanmar (CLMV). Hai nước cũng có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp của hai nước khi tiếp cận thị trường của nhau…
Đồng thời, hai bên cũng sẽ trao đổi những biện pháp tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
GMS hướng tới một thập kỷ phát triển mới
Ngày 20/12, lãnh đạo 6 nước Tiểu vùng Mekong mở rộng là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 4 tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị này.
Hội nghị có chủ đề: “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược Tiểu vùng Mekong mở rộng”. Theo chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo GMS sẽ tập trung thảo luận về những biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác GMS, cách thức để các địa phương và khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn vào thực hiện Khung chiến lược hợp tác mới GMS giai đoạn 2012 – 2022 và vấn đề huy động đầu tư khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ ký Tuyên bố Nay Pyi Taw và chứng kiến lễ ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin và ứng dụng trong khu vực GMS; việc thành lập Hiệp hội Vận tải GMS.
Việt Nam là một thành viên tích cực của hợp tác kinh tế GMS và cũng đã hưởng thụ nhiều quyền lợi từ sáng kiến hợp tác này.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.