Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để dân đói, dân rét
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài.
Trong 2 tuần qua, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, xảy ra 2 đợt mưa lớn chưa từng thấy.
Tình hình ngập lụt trên phạm vi rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 có 260.322 hộ bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Mưa lũ làm 127 người chết và mất tích. “Thiệt hại về các thiết chế hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Hiện 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang mưa lớn. Do đó, cần tập trung công tác chỉ đạo, nhất là hồ chứa đã vượt ngưỡng bình thường, không để xảy ra sự cố, phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.
Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung.
Theo đại diện của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan này đã dùng radar thời tiết dự báo từng giờ, cung cấp cho lực lượng cứu hộ. Xu thế chuyển từ năm khô hạn sang năm nhiều mưa lũ đang và sẽ tiếp tục xảy ra, từ nay đến cuối tháng 10 và sang cả tháng 11. Đêm mai, sẽ có cơn bão vượt quần đảo Philippines vào Biển Đông. Bên cạnh đó, cần đề phòng rét đậm rét hại khi năm nay mùa đông sẽ lạnh hơn.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết chế độ chính sách cho các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, theo đó, quân đội đề nghị và được Đảng, Nhà nước đồng ý truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, người đã hy sinh cùng các đồng đội khác khi trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam có sự truy thăng này.
“Chúng tôi tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm công nhân còn mất tích ở Rào Trăng 3”, Thượng tướng Phan Văn Giang nói. “Hằng ngày, chúng tôi chỉ huy trực tiếp”. Hôm qua, Quân đội đã điều trực thăng ra sân bay Phú Bài, sẵn sàng chờ thời tiết thuận là bay.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là những người bị nạn trong từng gia đình, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng ở Trung ương và địa phương trong phòng, chống, khắc phục, nhất là lực lượng quân đội, các ngành chức năng như là nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, đặc biệt giao thông vận tải…; đồng thời biểu dương các lực lượng chức năng đã xông pha, không ngại hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng, tài sản của nhân dân với nhiều tấm gương dũng cảm.
Tích cực chỉ đạo cứu hộ cứu nạn nhưng phải bảo đảm an toàn. Ngành tài nguyên và môi trường và Đài Khí tượng thủy văn Trung ương làm tốt hơn nữa công tác dự báo để các cấp, các ngành quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” là chính. Các lực lượng của Trung ương và địa phương sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Hệ thống chính trị vào cuộc, bao gồm các lực lượng thanh niên, phụ nữ; tiếp tục hỗ trợ đồng bào với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Cho biết về kết quả Chương trình “Chung tay vì người nghèo” vào tối 17/10 (nhận được 2.400 tỷ đồng quyên góp), Thủ tướng bày tỏ, “tấm lòng của đồng bào ta vĩ đại như thế”.
Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
“Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với những phương án phù hợp, bằng các phương tiện cần thiết để cứu dân, xử lý vấn đề đặt ra như vừa qua các đồng chí đã làm”, Thủ tướng nói. Hiện nay, mưa lớn đang diễn ra ở khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Tán thành với đề xuất của Bộ NN&PTNT, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, “ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng”, không để chậm trễ.
Về đề nghị hỗ trợ lương khô của các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý kịp thời, trường hợp cần thiết thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Bộ Quốc phòng sau.
Nhấn mạnh tinh thần không để dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn cơ số thuốc dự phòng, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn sau lũ.
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính quyết định xuất cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các bộ, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ trong các công điện đã ban hành.
Bộ Quốc phòng động viên các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho các đơn vị bị thiệt hại đúng quy định.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.
“Tôi đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám sát dân. Các cấp, các ngành bám vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các địa phương giải quyết tốt, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.