Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang

(THTG) Sau khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2018, chiều ngày 09/8 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Nghĩa, ông Phạm Anh Tuấn, ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang.

Still0809_00001

Still0809_00017 Still0809_00006

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Anh Tuấn

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, giai đoạn 2016-2017, tỉnh Tiền Giang là một trong 3 tỉnh (Long An và Trà Vinh) có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân tăng hơn 8%/năm, trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,9%, khu vực công nghiệp xây dựng tăng 15%, khu vực dịch vụ tăng 6,7%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, từ hơn 36 triệu đồng/người năm 2015 lên hơn 43 triệu đồng năm 2017. Phát triển Công nghiệp luôn tăng ổn định ở mức khá cao, bình quân 16,5%/năm…

Still0809_00005

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình KT-XH tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Anh Tuấn

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 4 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 96 dự án, tổng vốn đăng ký gần 40.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, nhất là trong năm 2017 với 640 doanh nghiệp thành lập mới; riêng 6 tháng đầu năm 2018, thành lập mới 443 doanh nghiệp. Nguồn vốn đầu tư và cơ cấu đầu tư trên địa bàn tỉnh từng bước thực hiện hợp lý theo các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển trọng tâm, năm 2016 tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội gần 27.000 tỉ đồng, năm 2017 trên 29.000 tỉ đồng. Về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện từng bước; Kim ngạch xuất khẩu giữ mức tăng trưởng khá, luôn đứng thứ 02/13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long, năm 2017 đạt 2,61 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2016, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước; Thu ngân sách đạt và về đích sớm, năm 2016 Tiền Giang thu ngân sách là 6.683 tỉ đồng, năm 2017 đạt 7.361 tỉ đồng, trong đó có yếu tố tích cực là nguồn thu thuế công nghiệp ngoài quốc doanh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh quốc phòng tiếp tục giữ vững…

Still0809_00011 Still0809_00012

Đại diện lãnh đạo các sở ngành tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tiền Giang vẫn còn nhiều khó khăn cần Thủ tướng, cũng như các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ, tập trung vào các vấn đề như: Dự án Nâng cấp để biển Gò Công;  Dự án chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công; kinh phí để xử lý sạt lở, sông, kênh rạch… Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị với Chính phủ những khó khăn liên quan đến việc phát triển công nghiệp phía Đông của tỉnh, gắn với kinh tế biển như: Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp; qui hoạch sử dụng đất có đất rừng phòng hộ của vùng công nghiệp phía Đông, dự án nạo vét kinh Chợ Gạo giai đoạn 2…

Still0809_00013Still0809_00026 Still0809_00020

Bộ, ngành Trung ương giải đáp các kiến nghị của Tiền Giang. Ảnh: Anh Tuấn 

Trước những kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, các bộ, ngành Trung ương đã ghi nhận và có những giải đáp cụ thể. Bên cạnh đó, các bộ ngành Trung ương cũng lưu ý tỉnh Tiền Giang một số vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội cần quan tâm thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, xây dựng nông thôn mới, phát triển hợp tác xã, xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản, những sản phẩm đặc trưng của tỉnh; triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông… Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đã có một số ý kiến, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xoay quanh các vấn đề liên quan đến tiềm năng, vị thế của tỉnh, đồng thời nêu lên những dự án mang tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang cũng như của các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2…

Still0809_00029Still0809_00030

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Anh Tuấn

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong cấp ủy, chính quyền các cấp đã góp phần gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đã có những bước tiến trong thời gian gần đây, nhưng tỉnh Tiền Giang chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần năng động sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, tập trung nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, chú ý liên kết giữa các nhà, phân phối trên nhiều khía cạnh khác nhau, tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Still0809_00024 Still0809_00025

Ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Thủ tướng. Ảnh: Minh Nguyên

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Danh- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, đoàn kết, trách nhiệm, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Ông cũng đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành, thị nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hoá bằng chương trình, kế hoạch chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành mình, của địa phương mình đạt hiệu quả cao nhất.

Thùy Trang