Theo Ban Tổ chức, có tới hơn 600 đại biểu tham dự sự kiện đặc biệt này. Buổi đối thoại do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Tham dự buổi đối thoại còn có các thành viên Chính phủ, gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo các bộ ngành tham dự đối thoại.
Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của gần 500 nông dân đến từ mọi miền Tổ quốc và tỉnh Hải Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại
Quang cảnh hội nghị
Chủ đề của buổi đối thoại là tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới.
Tại cuộc đối thoại, nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: chính sách, công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý vật tư nông nghiệp, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thăm Công ty Hưng Việt. Ảnh: VGP
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, đây là dịp để nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn Người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có 2 nhóm vấn đề mà Thủ tướng sẽ tiếp thu và có chỉ đạo ngay sau buổi đối thoại.
Đó là biện pháp cụ thể tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất phân bón, giải quyết khó khăn trong tích tụ ruộng đất, bảo vệ môi trường, dạy nghề… và rà soát bổ sung quy hoạch và chính sách.
Trước khi chủ trì cuộc đối thoại, Thủ tướng đã có chuyến đi thăm và tặng quà cho các gia đình nông dân có công với cách mạng gặp khó khăn, thăm mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của nông dân tỉnh Hải Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với nông dân sáng 9-4-2018
Tại cuộc đối thoại, vấn đề đầu tiên được nhiều nông dân cũng như các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ HTX nêu ra là đầu ra cho nông sản, nhiều loại hàng hoá nông nghiệp do bà con nông dân làm ra nhưng không có thị trường tiêu thụ, làm cách nào để đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng kho chứa, nhà máy chế biến…
Với câu hỏi của nông dân Đặng Xuân Trường ở Gia Lộc, Hải Dương phản ánh tình trạng nhiều loại nông sản không có thị trường tiêu thụ, củ cải phải đổ bỏ, mía phải chặt đốt, dưa hấu không bán được… Thủ tướng trả lời ngay rằng, chưa bao giờ nông nghiệp của chúng ta có thị trường tiêu thụ ổn định, sản xuất của nông dân có thu nhập cao như hiện nay. Theo Thủ tướng, tình trạng nông sản không tiêu thụ được chỉ là trường hợp nhỏ lẻ ở một vài nơi chứ không phải cả nước đều có tình trạng như vậy.
Tuy nhiên Thủ tướng thừa nhận vẫn có tình trạng được mùa rớt giá trong sản xuất nông sản và chúng ta phải nghiên cứu khắc phục vấn đề này.
Thủ tướng yêu cầu phải tìm thị trường cho nông sản. Vừa qua các cơ quan chức năng đã lăn lộn đi các nước để tìm thị trường. Theo Thủ tướng, việc tìm thị trường là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước sẽ làm nhưng doanh nghiệp và người nông dân cũng phải tích cực chủ động. “Trước khi gieo hạt cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Liên quan đến vấn đề khắc phục bất cập thị trường tiêu thụ, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh quy hoạch, không thể sản xuất ào ào. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển các nhà máy chế biến và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhảy vào đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản.
Bên cạnh đó phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng HTX để giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Cần hình thành 6 nhà liên kết với nhau sẽ giúp tiêu thụ nông sản thành công gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối.
Trả lời câu hỏi làm sao để không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Thủ tướng hỏi rằng tại sao không đặt vấn đề ngược lại là nhờ có thị trường Trung Quốc mà chúng ta có thị trường tiêu thụ.
Được Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cảnh báo trong thời gian qua tình trạng nông sản như thịt heo xuất khẩu gặp khó khăn chủ yếu là do xuất khẩu theo hình thức tiêu ngạch.
Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh: Chúng ta không nên coi nhẹ thị trường Trung Quốc cũng như không coi nặng một thị trường nào mà chủ trương của chúng ta là đa dạng các thị trường tiêu thụ, mở rộng thị trường và hội nhập sâu.
Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm, thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch…để tăng năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu.
Để tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thông tin thị trường là rất cần thiết cho nông dân nhưng đây vẫn là lỗ hổng của chúng ta. Nếu không lo được thông tin thị trường nước ngoài thì sẽ hạn chế giá trị cũng như thị trường tiêu thụ. Căn cứ tình hình chiến lược sản xuất nông sản, Bộ Công thương đang xây dựng chiến lược thông tin thị trường để đáp ứng nhu cầu của chiến lược sản xuất.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các mặt hàng như rau quả, củ cải, dưa hấu… chưa phải là mặt hàng chiến lược, mang tính mùa vụ nên chưa được đầu tư quan tâm đúng mức. Để có thể cung cấp thông tin đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị xây dựng các mô hình sản xuất theo hình thức HTX để dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, giải pháp cho nông sản là xây dựng nhà máy chế biến. Nhưng người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, nhà máy chế biến không đủ mà cần phải xây dựng chuỗi liên kết, hình thành mối liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ để có thị trường ổn định cho nông sản.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.