Thủ tướng: Phải thắng trong ‘trận Điện Biên Phủ’ chống biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL không chỉ là của Việt Nam, còn là nỗ lực và quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế, mà theo Thủ tướng đây là “trận Điện Biên Phủ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu” và chỉ được phép thắng, không được phép thua.
tt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ngày 27/3 tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” giữa UBND TP. Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL với 13 tỉnh, hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu là tín hiệu mạnh cho thấy tinh thần hợp tác công-tư đầy trách nhiệm, cùng với quyết tâm hành động nhanh chóng, quyết liệt giữa chính quyền địa phương, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn. Không chỉ Cần Thơ, các địa phương của vùng cần phải xắn tay áo, nắm bắt lợi ích tiềm năng mà dự án đem lại để Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 về định hướng phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đi vào cuộc sống.

“Chúng ta cần có sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của khu vực tư nhân, không những thông qua các cam kết tài trợ, hơn nữa thế, phải xúc tiến đầu tư, phát triển những dự án đem lại sinh kế, thu nhập bền vững của người dân, biến ‘nguy’ thành ‘cơ’, biến thách thức thành hành động để phát triển ĐBSCL”, Thủ tướng nói. “Vì vậy, tôi đặc biệt khuyến khích những ý tưởng, những sáng kiến như phát triển các hình thức du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, phát huy các giá trị bản sắc của vùng ĐBSCL, đề cao các giá trị môi trường và mục tiêu cải thiện sinh kế bền vững”.

Chắc chắn, với danh tiếng, kinh nghiệm và mạng lưới của BCG, vùng đất này sẽ có thêm nhiều sự quan tâm của nhà đầu trong nước và quốc tế, của khách du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây sẽ là một thách thức lớn đối với BCG, “nếu quý vị hiện thực hóa được cam kết và tuyên bố hôm nay và những gì ký kết, chắc hẳn uy tín của BCG sẽ lên một tầm cao mới”.

Thủ tướng cũng lưu ý ĐBSCL không chỉ là vấn đề của Việt Nam, đó là nỗ lực và quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế, “là trận Điện Biên Phủ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ý tôi nói là chỉ được phép thắng, không được phép thua trong cuộc chiến ấy”.

Hoan nghênh Novaland, BCG, MB Bank, các doanh nghiệp được xem là đi tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng cũng hoan nghênh quyết tâm đầu tư dự án lên đến hơn 600 triệu USD của Novaland vào Cần Thơ cũng như nhiều dự án khác sẽ triển khai ở ĐBSCL nói chung.

Thủ tướng đề nghị chính quyền Cần Thơ cùng các bộ, ban, ngành, hỗ trợ thúc đẩy các quy trình, thủ tục, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để dự án sớm được triển khai và phát huy hiệu quả kinh tế. “Và tất cả chúng ta mong muốn ĐBSCL là điểm đến hàng đầu của khách du lịch thế giới”, Thủ tướng bày tỏ.

tt1

Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa UBND TP. Cần Thơ,  Novaland, BCG và MB Bank. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo UBND TP. Cần Thơ, dự án có mục tiêu hoạch định và triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.
Việc ký kết hợp tác giữa UBND TP. Cần Thơ, Novaland, BCG và MB Bank sẽ kết nối và quy tụ thêm các tổ chức quốc tế tài trợ cho việc thích ứng biến đổi khí hậu như World Bank, IFC, ADB, DEG,… kỳ vọng mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào khu vực ĐBSCL – trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy, hải sản hàng đầu của cả nước.Theo UBND TP. Cần Thơ, dự án có mục tiêu hoạch định và triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland bày tỏ mong muốn cùng các đối tác đưa ra nhiều mô hình thích hợp để khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại ĐBSCL theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước; giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và dịch vụ chuyên nghiệp; tư vấn chuyển đổi bến phà Cần Thơ cũ thành bến tàu du lịch trung tâm nối kết với các nước trong khu vực cũng như hỗ trợ việc khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thật hiệu quả; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân miền Tây Nam Bộ.

Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành của Tập đoàn BCG tại Việt Nam nhận định, khi phát huy tốt nhất, ĐBSCL có thể là một “viên đá quý” của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới như Đồng bằng sông Nile ở Ai Cập, nơi tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế và đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho nơi đây. “Chúng tôi hy vọng khi dự án hoàn thành, ĐBSCL sẽ là điểm đến cho cả nước, khu vực và quốc tế; góp phần thay đổi cách nhìn về du lịch ĐBSCL”, ông bày tỏ.

Theo ước tính ban đầu từ BCG, dự án có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025, đem lại sự đa dạng hóa quan trọng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL.

Nguồn Chính phủ