Thuế kỹ thuật số châm ngòi cuộc đối đầu Mỹ – Pháp
Quốc hội Pháp hôm 11-7 thông qua dự luật áp thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn bất chấp nguy cơ trả đũa từ Mỹ.
Một nguồn tin Bộ Tài chính Pháp cho hay: “Mức thuế mới của Pháp tuân thủ các thỏa thuận quốc tế”.
Đối với Pháp, việc sử dụng công cụ thương mại để tấn công một quốc gia có chủ quyền là không phù hợp”. Phía Pháp đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tiến hành cuộc điều tra kế hoạch đánh thuế của Pháp nhằm vào các công ty công nghệ.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết cuộc điều tra theo “Đạo luật 301” có thể kéo dài đến 1 năm nhằm xác định xem liệu động thái của Pháp có làm tổn hại các công ty công nghệ Mỹ cũng như có bất công hay không.
Logo của các tập đoàn công nghệ Mỹ Amazon, Apple, Facebook và Google Ảnh: Reuters
Theo luật mới, Pháp sẽ đánh thuế 3% đối với tất cả công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu đạt ít nhất 750 triệu euro (khoảng 845 triệu USD) và doanh thu ở Pháp đạt trên 25 triệu euro. Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mức thuế mới sẽ nhắm vào 30 công ty, phần lớn là Mỹ, bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Anh.
Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Ông Lighthizer khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) để đạt được một thỏa thuận đa phương giải quyết những thách thức đối với hệ thống thuế quốc tế phát sinh do kinh tế toàn cầu kỹ thuật số đang tăng trưởng.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hôm 10-7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro vào năm tới trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo hãng tin AP, tăng trưởng kinh tế của khối sẽ đạt 1,4% vào năm 2020, thấp hơn so với mức 1,5% được dự báo trước đó. Tuy nhiên, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, ông Pierre Moscovici, lo ngại nền kinh tế khu vực có thể tệ hơn nữa nếu các vụ đối đầu thương mại tiếp tục leo thang.
Cảnh báo của ông Moscovici hoàn toàn có căn cứ khi Nhật Bản mới đây khước từ lời kêu gọi của Hàn Quốc bãi bỏ những hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao, đồng thời cân nhắc siết chặt các hạn chế xuất khẩu công cụ, máy móc và nguyên liệu cao cấp vào giữa tháng 8. Phía Hàn Quốc hôm 11-7 cho rằng động thái của Nhật Bản có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho các công ty Mỹ mà còn cho trật tự thương mại thế giới.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.