Thuế nhập khẩu thịt heo sẽ giảm

Chiều 9-3, Bộ Công thương đã thông tin cụ thể về tình hình nhập khẩu hiện nay và các hành động để bình ổn giá thị trường.

Gia-thit-heo-tang-manh-2-700x393
Giá thịt heo giữ mức cao thời gian qua  đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Ảnh: Lê Thi

Trước tình trạng giá thịt heo vẫn ở mức cao, nguồn nhập khẩu về dè dặt, mức thuế nhập khẩu cao, trong khi Thủ tướng đã giao các bộ chức năng liên quan thực hiện giải pháp giảm giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg, chiều 9-3, Bộ Công thương đã thông tin cụ thể về tình hình nhập khẩu hiện nay và các hành động để bình ổn giá thị trường.

Bộ Công thương cho biết, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) là cơ quan cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu. Tính đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại; trong đó thịt heo và sản phẩm thịt heo các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Cơ cấu chủng loại thịt heo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)…

Thịt heo nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đang chịu thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nga, Mexico… mức thuế nhập khẩu khoảng 3%-21%.

Bộ Công thương lưu ý các doanh nghiệp, căn cứ quy định hiện hành, mặt hàng thịt heo không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công thương mà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã ký thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước. Doanh nghiệp từ 19 nước này khi được Bộ NN-PTNT cho phép mới được xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Đề nghị doanh nghiệp chủ động dự trữ lúa gạo

Tối 9-3, Bộ Công thương thông tin, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành công văn hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về dự trữ lưu thông và bình ổn giá lúa, gạo hàng hóa trong nước.

Từ đầu năm 2020, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó lường. Diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục phát sinh, tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, có biện pháp để ứng phó với rủi ro về giá, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị doanh nghiệp thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó; có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Nguồn SGGP