Thuốc cho ngày Tết

Ngày Tết, vì ăn uống khác ngày thường, có khi thức khuya nên khó tránh khỏi rối loạn. Do đó mọi người nên chuẩn bị một số loại thuốc thông thường để có thể dùng ngay, nhất là ban đêm.



Tủ thuốc gia đình cần đặt ngoài tầm với của trẻ

Những thuốc đó là:

* Được bác sĩ kê đơn và đang sử dụng để chữa bệnh

Thường là thuốc trị các bệnh mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm xương khớp… Nên trữ đủ mấy ngày nghỉ tết (4-5 ngày).

Thuốc nên để trong tủ thuốc. Không có tủ thuốc, có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo hoặc trong một hộc của tủ lớn. Nơi đặt thuốc phải thoáng mát, khô, không có ánh nắng chiếu vào và có khóa để trẻ con không mở ra lấy thuốc được. Nên để thuốc trong bao bì, kể cả bảng hướng dẫn sử dụng thuốc.

Xin lưu ý, tất cả các loại thuốc là viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. Nếu là thuốc dành cho người lớn, nên ghi thêm câu trên nhãn “người lớn”.

Nếu có hạn dùng phải ghi rõ, nếu thuốc quá hạn phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn tốt có thể dùng băng keo trong dán chồng lên nhãn.

Các thuốc nêu trên có thể nhờ dược sĩ ở nhà thuốc hướng dẫn mua trữ và chỉ cách sử dụng.

* Giảm đau, hạ sốt

Nên có paracetamol hoặc các biệt dược có paracetamol để trị cảm sốt, đau nhức. Nếu không có sẵn có thể áp dụng các biện pháp dân gian như sau.

- Cạo, đánh gió bằng dầu xoa, dầu gió. Cũng có thể dùng một củ gừng tươi giã nhuyễn, vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho tới khi người nóng lên. Lưu ý, chỉ nên cạo, đánh gió cho người lớn và không nên quá mạnh tay đến độ bầm tím; thực chất hiện tượng bầm tím mà một số người gọi là “có gió” chính là xuất huyết dưới da.

Không nên cạo gió, đánh gió cho trẻ em vì có thể gây nhầm lẫn dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ.

- Dùng nồi xông với nắm lá xông chứa tinh dầu như lá sả, lá bưởi, lá ngũ trảo, ngải cứu, lá bạch đàn…

- Dùng cháo giải cảm là cháo trắng thêm rau thơm như tía tô, kinh giới, vài lát gừng tươi, thêm nhiều hành, tiêu. Ăn khi cháo còn nóng và hít hơi nóng từ tô cháo càng nhiều càng tốt.

* Trị tiêu chảy

Nên có gói Oresol để pha với nước uống nhằm bù nước và chất điện giải khi bị tiêu chảy nhiều, đặc biệt nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy. Có thể trữ thuốc trị tiêu chảy là chất hấp thụ như than hoạt tính (Carbomint, Carbotrim), hợp chất smectite (Smecta).

Nếu trữ thuốc loại liệt nhu động ruột như paregoric (viên Paregoric), diphenoxylat (Diarsed), loperamid (Imodium) thì lưu ý chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em. Trẻ dưới 2 tuổi hay trẻ lớn hơn nhưng có sốt, nôn ói, tiêu chảy nhiều cần đưa đi bệnh viện, không nên tự chữa ở nhà.

- Nếu không có Oresol có thể pha dung dịch muối đường với tỉ lệ: một muỗng cà phê gạt bằng muối ăn, tám muỗng cà phê gạt bằng đường cát pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội, có thể vắt thêm một trái cam.

* Trị khó tiêu, đầy bụng

Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi simethicon (Simelox) hoặc thuốc làm tăng nhu động dạ dày domperidon (Motilium-M), metoclopramid (Primperan). Hoặc có thể chế sẵn rượu gừng tươi phơi khô, tán nhuyễn, ngâm trong 100ml rượu đế; mỗi lần ăn uống khó tiêu, đầy hơi, uống một muỗng cà phê với nước đường. Nếu có sẵn gừng, xắt lát một củ cho vào nước trà nóng uống để giảm bớt triệu chứng khó chịu này.

Trường hợp bị trướng bụng do bí “trung tiện”, có thể áp dụng biện pháp dân gian là dùng 1-2 tép tỏi giã nhỏ đắp lên rốn, để trong 2 phút thì bỏ tỏi ra tránh đau rát, sẽ “trung tiện” được.

* Trị dị ứng

Có thể trữ thuốc dạng xirô chứa thuốc kháng histamin (như xirô Théralène, xirô Phénergan) để trị dị ứng do thức ăn hay lý do nào khác làm nổi mề đay, gây ngứa ngoài da. Lưu ý, các thuốc này dễ gây buồn ngủ còn được dùng trị ho hoặc nôn ói ở trẻ. Nếu muốn dùng thuốc không bị buồn ngủ có thể trữ thuốc loratadin (Clarityne), fexofenadin (Telfast)…

Nếu say rượu nhẹ nên uống cà phê hoặc trà đậm (có chứa caffein) là chất kích thích, đối kháng với tác dụng của rượu và nằm ngủ. Nếu say nhiều có ói mửa, uống nước trà chanh pha đường, muối hoặc uống nước đậu xanh xay nát (còn cả vỏ).

* Trị vết thương ngoài da

Nên trữ nước oxy già (eau oxygénée), Povidine để rửa và sát trùng vết thương do chấn thương nhẹ. Nếu không có sẵn, có thể dùng nước muối (một muỗng canh muối gạt bằng pha trong 1 lít nước) để rửa sạch vết thương. Nên có bông băng vô trùng, đặc biệt là băng dán cá nhân (Bandaid, Urgo) để dán lên vết thương trầy xước da, chảy máu ít.

Điều cần đặc biệt lưu ý là chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ dăm ba ngày, nếu triệu chứng không đỡ phải đến bác sĩ khám.