Thượng đỉnh liên Triều: Cuộc phiêu lưu ngoại giao lịch sử
Triều Tiên không yêu cầu Mỹ rút quân làm điều kiện phi hạt nhân hóa nhưng họ có thể lấy đó làm điều kiện cho thứ khác
Sự kiện chưa từng có
Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo trẻ tuổi này và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27-4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đánh dấu lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ở Hàn Quốc – hai hội nghị trước đó diễn ra ở Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un cũng là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng băng qua vĩ tuyến 38 kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Người đi bộ ở Seoul trước tấm áp-phích lớn bên ngoài Hội trường Thành phố ủng hộ sự thống nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc Ảnh: REUTERS
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), hội nghị thượng đỉnh liên Triều cùng với kế hoạch họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, là phép thử giúp làm sáng tỏ ông Kim sẵn sàng đến đâu trong các bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên – mục đích kép mà Seoul và Washington theo đuổi suốt nhiều thập niên qua.
Bình Nhưỡng có thể không đời nào từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng nếu nước này cùng Hàn Quốc và Mỹ muốn bắt đầu thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà cho tới vài tháng trước vẫn tưởng như có thể xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thì hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in phải đặt nền móng với một cuộc họp thượng đỉnh thành công. Số phận của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sau đó sẽ liên quan mật thiết tới những gì diễn ra tại Ngôi nhà Hòa Bình ở khu vực phía Nam của Bàn Môn Điếm, bên trong khu vực phi quân sự (DMZ) ngày 27-4.
Giới chuyên gia tỏ ra không mấy chắc chắn về kết quả cụ thể cuộc gặp đang làm tâm điểm của dư luận thế giới này. Lịch sử đối địch cay đắng dai dẳng giữa hai bên là cơ sở cho không ít ý kiến hoài nghi về khả năng đạt được bất cứ thỏa thuận nào trong cuộc gặp.
Phòng họp có chiếc bàn dài 2.018 mm tượng trưng cho năm 2018. Chiếc bàn được thiết kế giống như 2 chiếc cầu nối lại với nhau. Ảnh: AP
Khó lường
Những người lạc quan tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này không khó gặt hái một số bước tiến về vấn đề vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn còn lo ngại về sự đồn trú của 30.000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Trang The Hill của Mỹ gọi vấn đề liên quan tới lực lượng này là thách thức khó lường đối với ông Trump.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Moon đánh tiếng rằng Triều Tiên đã từ bỏ yêu cầu từ lâu về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc để đổi lấy phi hạt nhân hóa. Thế nhưng, theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Dean Cheng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage (Mỹ), điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ không tìm cách đòi Mỹ rút quân như một phần của hiệp định hòa bình rộng hơn. “Triều Tiên không yêu cầu Mỹ rút quân làm điều kiện phi hạt nhân hóa nhưng họ có thể lấy đó làm điều kiện cho thứ khác” – vị này nói thêm.
Phần tựa đầu trên ghế lớn dành cho hai lãnh đạo có thiết kế hình bản đồ bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Korea Times
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.