Thưởng gấp đôi Mỹ, Việt Nam vẫn thua ở Olympic!

       Cũng giống như môn bóng đá nam tại SEA Games 2011, các vận động viên (VĐV) dự Olympic 2012 được treo mức thưởng cực lớn trước mắt. Nhưng “doping” tiền không thể giúp các VĐV Việt Nam vượt khó, trái lại áp lực từ khoản tiền thưởng, kỳ vọng vô tình đẩy họ đến thất bại chóng vánh tại Thế vận hội lần này.

Một thất bại không có gì mới mẻ

Có một thói quen khó bỏ của ngành thể thao nước nhà chính là “căn bệnh” thành tích đã trầm kha. Thay vì việc tập trung khâu đào tạo trẻ, hoặc lộ trình phát triển đưa các môn thi đấu sánh tầm thế giới, chúng ta mải mê dùng “doping” tiền để khơi gợi tinh thần thi đấu của các VĐV. Và vô tình chúng ta dùng tiền mồi nhử thành tích mà quên rằng một VĐV muốn hướng đến đỉnh cao còn cần năng lực chuyên môn và sự trau dồi để chạm tay đỉnh vinh quang.

Bài học gần nhất và đau đớn nhất tại SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia vào cuối năm 2011. Trước lúc lên đường, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), các nhà tài trợ đã hứa mức thưởng lên đến cả triệu đô để thầy trò huấn luyện viên Falko Goetz giành huy chương vàng. Ai cũng nhớ giải đấu ấy, lực lượng U23 Việt Nam có hạn, lại chịu “áp lực” khoản tiền quá lớn ở trên đầu.

Ảnh minh họa
Cũng giống các VĐV dự Olympic, U23 Việt Nam từng thất bại đau đớn tại
SEA Games 2011, dù được treo mức thưởng 1 triệu USD nếu vô địch

Kết quả đội bóng áo đỏ chơi dưới sức rồi thất bại ở trận tranh huy chương đồng, khiến áp lực lên tận đỉnh khiến trưởng đoàn U23 Việt Nam kiêm Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn lẫn huấn luyện viên Falko Goetz mất chức. Và lỗi không nhỏ cũng từ việc lãnh đạo VFF dùng “doping” tiền thưởng quá lớn khiến các cầu thủ mất phương hướng dẫn đến cú ngã đau đớn tại Indonesia.

Và thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 cũng tương tự như SEA Games 2011. Ấy là việc lãnh đạo nghành đã hứa mức thưởng từ 500 triệu cho đến 1 tỷ đồng, nếu các VĐV Việt Nam giành huy chương từ đồng đến vàng. Đó cũng là mức tiền thưởng cao nhất trong các kỳ thể thao nước nhà bước ra sân chơi Thế vận hội.

Nhưng treo thưởng càng cao, VĐV chúng ta càng mờ nhạt. Hệ quả 18 niềm hy vọng huy chương đều trở về nước với đôi bàn tay trắng. 'Doping' tiền không tạo ra động lực, sự hưng phấn mà trái lại làm hại các VĐV. Để rồi tất cả chỉ còn lại cảm giác tiếc nuối, thất vọng khi VĐV không thể vượt qua được chính mình ở thời điểm quan trọng nhất.

VĐV và “doping” tiền: Như leo cột mỡ

Kết thúc hơn 2 tuần tranh tài tại Vương quốc Anh, đoàn thể thao Mỹ xuất sắc giành vị trí số một. Dù là cường quốc thể thao số 1 thế giới, mức thưởng huy chương của Mỹ lại rất thấp và chỉ mang tính động viên tinh thần là chủ yếu. Trong khi ấy, một nền thể thao còn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước như thể thao Việt Nam lại chơi sang ở những khoản treo thưởng như thế.

Ví dụ như Olympic 2012, ngoài mức thưởng cao nhất 1 tỷ cho VĐV đoạt huy chương vàng, chúng ta còn có mức thưởng ngay tại trận: 5.000 USD/huy chương vàng, 3.000 USD/ huy chương bạc và 2.000 USD/ huy chương đồng. Nếu so đoàn thể thao Mỹ, mỗi VĐV chúng ta có mức thưởng gấp đôi nếu đoạt thành tích tương tự.

Nếu ở đẳng cấp ngang bằng đối phương thì không nói làm gì. Đằng này cả 18 VĐV đi dự Olympic 2012 đều không một người có vinh dự được nhận những khoản tiền trong mơ ấy. Bởi so đối thủ, VĐV thua kém toàn diện từ chuyên môn, thể hình, thể lực lẫn kinh nghiệm. Và mức thưởng cao như thế chẳng khác gì bắt VĐV chúng ta leo cột bôi đầy mỡ để chạm tay đến khoản tiền thưởng.


Thay những khoản thưởng nóng cao chót vót, chúng ta nên chuyển sang chi dùng khâu
đào tạo trẻ, có thêm kinh phí tập huấn, mua thuốc men cho các VĐV sẽ hợp lý hơn

Chợt thấy thương các VĐV Việt Nam quá thua thiệt so với các đối thủ. Trong khi các VĐV nước ngoài quen chuyện uống thuốc bổ, đi tập huấn, thậm chí đổi đời khi có huy chương Olympic, thì đời sống VĐV Việt Nam còn eo hẹp. Mức lương từ 10-25 triệu/tháng chỉ đủ chi trả cho bản thân. Việc tăng chế độ dinh dưỡng, thuốc men cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn kinh phí.

Ngay kế hoạch tập huấn, chuẩn bị cũng chỉ vỏn vẹn 3 tháng trước Olympic, thì làm sao 1 VĐV Việt Nam có thể đuổi kịp đối thủ, nói chi đến chuyện giành chiến thắng. Thành thử những tấm vé đến Olympic cũng từ sự nỗ lực cá nhân, phút xuất thần trong thi đấu, thay vì quá trình nâng cấp có tính toán từ cấp lãnh đạo. Thế nên mới có phép tính vui mỗi VĐV Việt Nam đến Olympic chỉ mất 20.000 USD, một con số quá rẻ, tiết kiệm nếu so với những đối thủ cùng thi đấu.

Đó là bất cập không đáng có khiến thể thao Việt Nam thất bại đau đớn tại Thế vận hội 2012. Và chúng ta nên dùng những khoản tiền thưởng lên cả tỷ đồng để chăm chút khâu đào tạo trẻ. Chí ít là việc bồi dưỡng, chăm sóc VĐV toàn diện, trong thời gian dài để gặt hái thành tích tốt. Nếu cứ thích dùng tiền thưởng để treo VĐV, thay vì lo từ gốc, thể thao Việt Nam còn trắng tay dài dài ở những kỳ Olympic tiếp theo, là điều khó tránh khỏi.