Thương mùa nước nổi
Ai ở miền Tây cũng đều biết, hễ trên dòng Tiền Giang, Hậu Giang nước chuyển sang màu đỏ thì hiểu là nước nổi sắp về, thế là lòng lại nôn nao. |
Tôi rất yêu nước nổi quê mình. Không phải vì nó là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, không phải vì nó cung cấp cho người dân quê bao nhiêu là sản vật cá tôm rùa rắn… mà còn là vì ở quê tôi, mùa nước nổi là cái mùa mà người ta thể hiện tình cảm với nhau chân phương nhất, thân thương nhất. Và đám con nít chúng tôi thì có bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi ấu thơ, tắm sông, bắt cá, câu tôm…
Chợ sớm.
Nhà tôi ở tận xã vùng sâu xa lắc, đi học cấp ba phải ra thị trấn và qua mấy đận đò ngang. Người dân quê tôi đón mùa nước nổi như thể đón người bạn phương xa trở về. Không phải đợi ai kêu ai gọi, họ cứ sống chung với nước nổi và luôn hào sảng, mến thiết. Khoái nhất những hôm không đi học, chúng tôi bơi xuồng ra đồng giăng lưới, đặt lờ. Cái mênh mông của cánh đồng loang loáng nước, cái chót vót của cội thốt nốt già rồi tiếng cá đớp mồi làm đứa nào cũng mê tít.
Tô bún cá An Giang.
Sau buổi giăng nắng bắt cá, tắm đồng, chiến lợi phẩm mang về bao giờ cũng được chị tôi nấu cho mấy món ngon nhứt xứ. Cá linh như được sinh ra chỉ để ăn cùng bông điên điển dù nấu bất cứ món gì, canh chua hay là kho lạt. Đầu con nước, cá linh non xương mềm, thịt ngọt nên kho tiêu, chiên bột hay đổ bánh xèo bông điên điển đều ngon. Mấy đứa nhỏ trong xóm và tôi mê nhất là lúc ngồi chực chờ bên tô canh chua cá linh bông điên điển chị vừa nấu. Vị ngọt của cá, chua nhẹ của cơm mẻ, thơm giòn và hơi nhẫn của bông điên điển hòa quyện với nhau… làm đứa nào háo hức. Thôi thôi, mùa nước nổi miền Tây thì nhiều món lắm. Có ngồi đây mà kể tới mai cũng đâu có hết được. Mà càng kể thì lại càng nhớ, và muốn ngay bây giờ vác ba lô về với ruộng đồng, để được đấm mình trong làn nước ngầu đục phù sa nhưng đong đầy kỷ niệm.
Bún cá bông điên điển.
Bắt cá ở búng Bình Thiên.
Mỗi lần về thăm quê mùa nước nổi, tôi đều đến búng Bình Thiên, vì điểm này không xa nhà tôi là mấy. Mùa nước nổi, búng Bình Thiên rộng thêm ra. Là cái búng, nơi chứa nước ngọt được người dân gọi là giếng trời, xung quanh là cộng đồng dân cư người Chăm sinh sống cùng người Việt. Búng nối với sông Hậu qua nhánh sông Bình Di thơ mộng. Những ngày nước nổi, búng trở nên đáng yêu hơn và là nơi mưu sinh của biết bao người.
Hồ Tà Pạ
Rời búng Bình Thiên, tôi cùng những người bạn lại lang thang đến rừng tràm Trà Sư, một trong những lá phổi xanh của vùng châu thổ. Rồi tạt qua địa danh Tà Pạ, nơi luôn làm xiêu lòng bất cứ ai mỗi khi đặt chân đến. Tà Pạ với một hồ nước trong xanh giữa không gian bao la của trời đất. Từ trên đỉnh đồi, phóng tầm mắt về cánh đồng Tri Tôn để cảm nhận hết sự quyến rũ kỳ thú của thiên nhiên, nơi những hàng thốt nốt ngạo nghễ trên những đồng chiều.
Cánh đồng Tri Tôn.
Tôi không nhiều lắm kỷ niệm với Tà Pạ hay Trà Sư vì đây là những địa danh mới khám phá sau này. Nhưng nếu là chuyến hành trình về An Giang thăm mùa nước nổi, thì hai địa danh trên là hai điểm nhấn mà du khách không nên bỏ qua.
Đánh bắt mùa nước nổi.
Nói thêm về mùa nước nổi. Nhiều người gọi nước nổi là lũ, nhưng chẳng bao giờ tôi thấy nó hung hăng cả. Nước nổi cứ nhẩn nha như kẻ lữ khách đường chiều ngao du trên chuyến hành trình qua miền châu thổ, nấn ná lại ít lâu để làm quen với những cư dân một nắng hai sương chân chất thật thà, kể cho họ nghe về quá trình lang bạt của một dòng phù sa, như con người bao đời qua sống và chết với vùng đồng đất này.
Bông điên điển, đặc sản mùa nước nổi.
Trẻ em ở búng Bình Thiên.
Nước nổi mang cho ký ức chúng tôi những ngọt ngào và thân thương nhất. Châu thổ chiều cuối mùa, mặt nước in bóng cây thốt nốt lặng lẽ nhưng kiêu hãnh ở chốn biên thùy. Mặt trời từ từ khuất lấp sau những tảng mây lang thang với hình vân cẩu, để rồi thêm một mùa nước, tôi lại mang nước nổi vào hành trang ký ức đời mình, để tháng ngày thêm lớn hơn, với quê nhà mùa nước nổi.
|
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.