Tỉ lệ tốt nghiệp THPT Tiền Giang: Đứng chót cũng không buồn

Kỳ thi tốt nghiệp “hai không” năm 2007, Tiền Giang ở vị trí thứ năm cả nước với 88,99% HS tốt nghiệp (tỉ lệ cả nước 66,72%). Mùa thi năm 2012, tỉ lệ tốt nghiệp tỉnh này đạt 95,93% - đứng vị trí áp chót so với các tỉnh thành.

Thí sinh tỉnh Tiền Giang vui mừng sau khi làm tốt bài thi - Ảnh: MINH CHÂU

Từ tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 khá cao với 88,99%, một năm sau khi mà tỉ lệ chung của cả nước tăng xấp xỉ 10%, tỉ lệ của Tiền Giang lại giảm còn 87,98%. Một năm sau, năm 2009, kết quả chung của cả nước tiếp tục phi nước đại với gần 10% nữa, Tiền Giang lại tiếp tục thụt lùi.

Không chấm lại để nâng điểm

Tìm gặp những giám khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Tiền Giang, Tuổi Trẻ ghi nhận được câu chuyện chấm thi môn lịch sử. Sau khi chấm xong, có ý kiến từ bộ môn này dè dặt bày tỏ với lãnh đạo sở: “Anh ơi, số bài thi 4,5 điểm nhiều lắm”. Hẳn nhiên, lãnh đạo sở hiểu anh em muốn nói điều gì và cũng rất chia sẻ với tâm tư anh em. Chỉ cần xem lại bài thi, tìm để nâng 4,5 nâng thành 4,75 là đã có thêm nhiều điểm trung bình, nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp… Thế nhưng không có chuyện chấm lại. Và tỉnh này đã giữ những điểm số, chấp nhận kết quả môn sử là môn có tỉ lệ bài thi 5 điểm thấp nhất trong các môn thi (khoảng 70%), tỉ lệ này cũng thấp hơn so với nhiều tỉnh bạn.

Cô Ngô Thị Kim Cúc, giáo viên văn Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, người có 30 năm trong nghề, nhiều năm coi thi và chấm thi, khẳng định: ngoại trừ năm ngoái có chấm lại sau khi bộ điều chỉnh đáp án môn văn chứ chưa bao giờ có chuyện chấm lại để nâng điểm.

Buông lỏng thi cử là bất công

Ông Nguyễn Phú Cường, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, tâm sự: “Chúng tôi quan niệm: không thể đánh đồng thành quả của giáo dục dạy tốt, HS ham học với kết quả sự buông lỏng thi cử”. Nói về tỉ lệ tốt nghiệp, ông Nguyễn Đăng Lợi, hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Gò Công, cho biết: “Tôi từng nghe anh em tâm tư khi tỉ lệ thấp hơn nơi này nơi khác. Và tôi cũng từng nghe những người làm công tác lãnh đạo thi giải thích rằng hãy để xã hội lượng giá. Chúng ta không vì nhiều nơi làm sai mà đi theo sai trái đó. Làm giáo dục mà làm sai tức là hại một thế hệ”.

Trong khi đó ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, bộc bạch: “Tiền Giang đã làm nghiêm túc, dù có xếp hạng thứ 63 cũng không buồn vì mình đã bước tiếp con đường đã chọn.” Ông nói tiếp: “Cũng có một bộ phận xã hội nghĩ rằng làm nghiêm thì thiệt thòi. Nhưng khi đã bung ra, đã buông lỏng, muốn củng cố lại rất khó. Cũng có ý kiến mở một cơ hội cho học trò có bằng ra đời đi làm, thi rớt sẽ chơi bời hư hỏng. Người làm giáo dục không được nghĩ vậy. Bằng cấp phải đánh giá đúng năng lực, kiến thức người học. Nếu không đậu sang năm thi lại. Sự buông lỏng là bất công giữa người học và người không học, những HS giỏi có thể điểm không bằng những bạn may mắn được copy bài, từ đó HS sẽ bất mãn, không tin tưởng vào ngành, vào thầy cô nữa. Đó là một điều nguy hiểm”.

“Tỉ lệ đậu cao ai cũng mừng nhưng phải là kết quả học thật, thi thật. Nếu không sẽ là nỗi bất hạnh cho nền giáo dục. Tôi từng nói với các hiệu trưởng rằng nếu làm hiệu trưởng chỉ chăm chút tỉ lệ tốt nghiệp thôi thì chưa xứng đáng làm hiệu trưởng. Cần phải quan tâm giáo dục nhân cách cho HS. Và việc tổ chức thi nghiêm túc cũng là cách truyền cho HS bài học vào đời bằng chính kiến thức của mình, bằng cách tự đứng trên đôi chân mình”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang TRẦN THANH ĐỨC