Tiền Giang: Áp dụng IPHM cây lúa khỏe, tăng lợi nhuận thêm 2,8 triệu đồng/ha.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp-PTNT) vừa tổng kết Mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa vụ hè thu 2024 tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Qua đó cho thấy mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, nông dân vùng Gò Công (tỉnh tiền Giang) trồng lúa có xu hướng gieo sạ dày, bón thừa phân đạm và phun xịt thuốc trừ sâu nhiều, giá thành cao, giảm lợi nhuận. Do đó, Trung tâm BVTV phía Nam đã triển khai mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên 10 ha cây lúa để thay đổi nhận thức của nông dân về hệ sinh thái đồng ruộng cũng như hiểu rõ hơn về mô hình này tại xã Tân Trung (Thành phố Gò Công).
Theo mô hình này, nông dân chỉ cần gieo sạ với lượng giống 120kg/ha, bón phân theo công thức N-P-K (90-60-30) kết hợp với bón lót 200kg/ha phân hữu cơ. Trong khi đó, mô hình truyền thống nông dân gieo sạ với lượng giống 160 kg/ha, bón phân theo công thức N-P-K (120 – 40 – 30) và không bón phân hữu cơ. Đối với các ruộng lúa áp dụng IPHM có mật độ sâu hại thấp, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều loài thiên địch, sâu bệnh tuy có xuất hiện nhưng ở mức độ nhẹ và không cần phải xử lý thuốc BVTV, năng suất cuối vụ đạt 6,85 tấn/ha tương đương so với ngoài mô hình.
Kết quả mô hình IPHM giảm giống (40 kg/ha), giảm phân đạm (30 kg/ha), hạn chế sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, qua đó giảm số lần và chi phí phun thuốc BVTV. Về hiệu quả kinh tế, so với ruộng ngoài mô hình, ruộng IPHM có chi phí đầu tư gần 16 triệu đồng/ha (giảm hơn 1,8 triệu đồng), tổng thu gần 48 triệu đồng/ha (tăng 980 nghìn đồng), lợi nhuận đạt gần 32 triệu đồng/ha (tăng hơn 2,8 triệu đồng). Mô hình đã giúp giảm chi phí cho nông dân, tăng lợi nhuận, đặc biệt nhất là bảo vệ môi trường trong sạch cho địa phương. Ông Nguyễn Minh Thư, Trưởng phòng BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: “ Có thể đánh giá mô hình bước đầu rất thành công, so với mục đích ban đầu thì đến nay các chỉ tiêu đã đạt hết. Mục đích chính của mô hình là giảm lượng phân bón, và giảm thuốc trừ sâu cho nông dân, thường nông dân hay lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón và tăng cường phân hữu cơ vi sinh cho đất khỏe, phù hợp với chương trình IBM chung của Việt Nam”.
Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ HK Green (phường 9, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) là doanh nghiệp đồng hành với mô hình IPHM và thời gian qua luôn sát cánh cùng nông dân vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang thực hiện các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao. Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ HK Green chia sẻ: “ Bản thân doanh nghiệp 5 năm qua cũng đồng hành với 04 huyện, thị phía Đông từ trước nay chúng tôi đầu tư từ đầu vụ về giống, phân, quản lý, kỹ thuật, hỗ trợ nông dân 100%. Đến cuối vụ chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm, giá trị sản phẩm thực tế tăng thêm 200 đồng/kg để bà con áp dụng quy trình của công ty HK. Quan trọng nhất là khi bà con sử dụng quy trình thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về kinh tế cho bà con nông dân để bà con đồng hành với công ty tạo ra hạt gạo sạch đặc thù của vùng Gò Công”.
Mô hình IPHM cây lúa khỏe do Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam triển khai đã đạt hiệu quả, cần được ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương vùng ĐBSCL nhân rộng, đây cũng là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.