Tiền Giang bảo vệ an toàn hơn 23.000ha vườn cây đặc sản trước xâm nhập mặn
Dù nước mặn trên sông Tiền chưa đến địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhưng hiện nay chính quyền và người dân nơi đây đã chủ động các phương án ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ vườn cây đặc sản đang cho kinh tế cao.
Huyện Cái Bè hiện nay đã cơ bản hoàn thành các công tác phòng chống mặn xâm nhập, khô hạn cũng như triều cường đang diễn biến phức tạp. Đó là việc nạo vét, khai mương nội đồng, gia cố các tuyến đê ven sông, các điểm sạt lở, xây dựng hoàn thiện các cống đập, tu sửa các cống lâu ngày không để rò rỉ nước.
Từ nguồn kinh phí dự phòng, huyện Cái Bè đã xây dựng một trạm bơm nước tập trung tại xã Hòa Khánh phục vụ cho các xã lân cận; lập phương án đắp đập dã chiến ngăn mặn khi cần thiết để bảo vệ vườn cây ăn trái.
Toàn huyện Cái Bè có hơn 23.000ha vườn cây ăn trái đặc sản, đứng đầu tỉnh Tiền Giang với nhiều chủng loại. Trong đó có nhiều loại cây ăn trái hiệu quả kinh tế rất cao như: hơn 6.000 ha cây sầu riêng đang cho trái bán với giá kỷ lục từ 130- 200.000 đồng/kg; 5.000 ha mít với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg. Do đó, việc phòng chống hạn mặn, khô hạn kéo dài rất được chính quyền và người dân nơi đây rất quan tâm, không chủ quan, lơ là.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: “Bây giờ các tuyến kênh rạch nhất là giáp bên xã Phú An liên kết vùng giữa huyện Cái Bè- Cai Lậy sẽ được gia cố hết các cống. Cặp ven sông Phú An, các cống đã xây kiên cố rồi. Đối với kênh 28 chúng tôi đã sửa các cống, sử các nắp cống. Ngoài ra cặp sông Tiền còn Kinh Cũ phần này chúng tôi sẽ đầu tư mới, nếu như mặn có tới sẽ có phương án xây đập tạm để ngăn lại. Từ nguồn vốn thủy lợi phí với nguồn thu đất lúa, chúng tôi nạo vét, gia cố cống đập khoảng 25 công trình nữa, để chuẩn bị nếu như mặn có tới thì chúng tôi đã sẵn sàng”.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.