Tiền Giang chủ động bảo vệ 35.000 ha cây ăn trái chịu mặn kém
(THTG) Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong các tháng cuối năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, do El Nino tác động nên tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra trên phạm vi rộng trong mùa khô năm 2023-2024. Vì vậy, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề nghị các địa phương cần bảo vệ an toàn 100% diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh, đặc biệt tập trung bảo vệ trên 35.000 ha cây ăn trái mẫn cảm với nước mặn.
Từ phương án 447 của UBND tỉnh, các địa phương xây dựng phương án phòng chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 – 2024 thật cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng khu vực, đáp ứng theo mục tiêu bảo vệ sản xuất của từng xã, từng ấp. Đồng thời chủ động nạo vét các công trình thủy lợi để giữ nước ngọt tưới cho cây ăn trái trong mùa khô. Riêng người dân cần chủ động trữ nước ngọt bằng nhiều cách thức khác nhau, nhất là tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt.
Tiền Giang vượt qua hạn mặn mùa khô 2022-2023, bảo vệ tốt vườn cây ăn trái. Ảnh: Lê Thi
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang thì trong tổng số 35.000 ha cây ăn trái chịu mặn kém của toàn tỉnh thì có khoảng 20.000 ha là sầu riêng. Trong khi đó, sầu riêng được trồng nhiều ở các địa phương ven sông Tiền, chịu áp lực cao nhất mỗi khi mùa khô về. Đặc biệt, do năm nay, giá bán sầu riêng đứng ở mức rất cao nên nhà vườn duy trì sản xuất quanh năm. Vì vậy, vấn đề phòng chống hạn mặn càng được không chỉ các ngành, các cấp mà chính người dân cũng rất quan tâm.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang thì tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 dự báo gay gắt hơn năm trước, song người dân không còn gặp khó khăn trong việc bảo vệ vườn cây vì hệ thống cống ngăn mặn tại các đầu kênh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và bảo đảm sẽ vận hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và vận hành đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước Quyết định số 2473 của UBND tỉnh. Như vậy, cùng với cống âu Nguyễn Tấn Thành mặc dù đang thi công nhưng vẫn có thể ngăn dòng, bảo đảm cho công tác phòng chống hạn mặn, thì các cửa sông tiếp giáp sông Tiền từ Châu Thành đến Cai Lậy đã có cống ngặn mặn khép kín. Trách nhiệm của người dân là thường xuyên nắm thông tin về diễn biến hạn mặn, kiểm tra độ mặn trong nước trước khi tưới cho cây./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.