Tiền Giang đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết
(THTG) Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho biết, tính tới ngày 18/7/2022, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận gần 2.500 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 03 trường hợp tử vong.
Cụ thể, ngày 13-7, Tiền Giang ghi nhận thêm 01 trường hợp người lớn tử vong do sốt xuất huyết tại ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo (trước đó, có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là trẻ em tại huyện Cái Bè và TX. Cai Lậy). Đặc biệt, thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng mạnh, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đã quá tải các trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm Sở Y tế vừa kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết người lớn tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm.
Cũng theo BSCKII. Võ Thanh Nhơn, số ca bệnh sốt xuất huyết đến nay tiếp tục tăng cao ở 11/11 huyện, thị, thành. Những huyện có số ca bệnh tăng báo động là Cái Bè gần 750 ca; Châu Thành trên 400 ca. Đến nay, ghi nhận trên 600 ổ dịch sốt xuất huyết và được xử lý xong. Riêng huyện Cái Bè trên 130 ổ dịch.
Về xử lý ổ dịch, khi nhận thông tin có ca sốt xuất huyết dengue, các đơn vị tiến hành điều tra, xác minh dịch tễ về ca mắc sốt xuất huyết dengue, giám sát véc-tơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân thưởng trú, đồng thời thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi các hộ gia đình trong bán kính 200 mét.
Cán bộ côn trùng CDC kiểm tra SXH tại hộ gia đình, có rất nhiều vật linh tinh chứa nước có lăng quăng.
Theo khuyến cáo của CDC Tiền Giang; để phòng bệnh sốt xuất huyết người dân nên dành thời gian mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc và thực hiện các biện pháp để không có lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết. Không cho muỗi tiếp xúc với nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được. Thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng.
Cho các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane 78% vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực dọng nước để diệt lăng quăng. Lật úp vật chứa, phá bỏ, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn không để các vật chứa nước bị đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Tin và ảnh: Thanh Hoàng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.