Tiền Giang hội thảo Dấu ấn lịch sử cuộc khởi nghĩa Anh hùng dân tộc Trương Định

(THTG) Kỷ niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động mang tính lễ hội nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp kháng chiến chông thực dân pháp  của Ông. Sáng ngày 16-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Dấu ấn của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến dự có ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, quân sự trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn

 Trương Định sinh năm 1820, tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm. Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa.

Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định – Định Tường. Ở đây Trương Định tổ chức lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười. Năm 1862, Triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Trương Định được lệnh bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang và Hà Tiên. Nhưng cuối cùng Trương Định quyết định ở lại tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp. Hành động của ông được nhân dân trong vùng suy tôn là “Bình Tây đại nguyên soái”.

Sau khi từ chối lệnh bãi binh của triều đình và đi nhận chức lãnh binh ở An Giang, Hà Tiên, Trương Định và nghĩa quân của ông lập được nhiều chiến công, làm cho Thực dân Pháp tổn thất nhiều. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn, một bộ tướng của Trương Định đã phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và ông đã tuẫn tiết để giữ khí tiết của một tướng quân. Sau khi Trương định tuẫn tiết, nhân dân trong vùng Gò Gông lập Đền thờ Ông, hàng năm vào ngày giỗ của Ông,  chính quyền tỉnh Tiền Giang và nhân dân khắp các tỉnh thành trong khu vực đến viếng.

Hội thảo khoa học Dấu ấn của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX có trên 40 tham luận, trong đó có gần 10 tham luận phát biểu tại hội nghị cho thấy hội thảo nầy được sự quan tâm các nhà khoa học, các nhà sử học. Qua hội thảo sẽ làm sáng tỏ thêm thẩm chất cao đẹp về Trương Định và cuộc khỏi nghĩa của ông trong giai đoạn đầu thực dân pháp xâm lược Việt Nam .

                                             Công Luận